Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 311/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 90/NQ-HĐND về thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 311/KH-UBND
Ngày ban hành 20/09/2018
Ngày có hiệu lực 20/09/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Đặng Ngọc Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 311/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 20 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 90/NQ-HĐND NGÀY 18/7/2018 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÔNG QUA QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 90/NQ-HĐND); xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 2569/STNMT-CCMT ngày 17/9/2018; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-HĐND, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-HĐND nhằm góp phần duy trì, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, chức năng sinh thái của hệ sinh thái tự nhiên, loài động vật quý hiếm và các nguồn gen có giá trị, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, du lịch sinh thái với bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH).

- Phân công cụ thể nhiệm vụ, quy định rõ trách nhiệm, đề cao sự phối hợp cũng như sự phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ĐDSH.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công bố và phổ biến các nội dung quy hoạch

Công khai, phổ biến sâu rộng các nội dung Quy hoạch đến các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trên các trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng.

2. Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên đặc thù của tỉnh

- Bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên với tổng diện tích 218.390ha, gồm: các hệ sinh thái rừng nguyên sinh, các kiểu rừng đặc thù, các loài động vật, thực vật quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng đã được đưa vào quản lý trong hệ thống rừng đặc dụng, vùng lõi của Vườn quốc gia Vũ Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và các Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn.

- Bảo vệ và phát triển các kiểu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, gồm:

+ Rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Vũ Quang và Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ với tổng diện tích 74.510 ha, trong đó Vườn quốc gia Vũ Quang là 52.742ha và Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ 21.768ha.

+ Rừng phòng hộ với tổng diện tích là 113.218ha, trong đó rừng tự nhiên 80.806ha, rừng trồng 22.015ha, đất chưa có rừng 9.658ha và đất khác 739ha. Rừng phòng hộ tập trung chủ yếu tại các khu vực do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố, Hồng Lĩnh, Sông Tiêm, Ngàn Sâu, Nam Hà Tĩnh và Hương Sơn quản lý.

- Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái biển ven bờ, gồm 04 khu vực: vùng cửa Hội và biển ven bờ Nghi Xuân; vùng cửa Sót và biển ven bờ Lộc Hà - Thạch Hà; vùng cửa Nhượng và biển ven bờ Thạch Hà - Cẩm Xuyên; vùng cửa Khẩu và biển ven bờ Kỳ Anh.

- Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng đất ngập nước tự nhiên, gồm:

+ Hệ sinh thái rừng ngập mặn với tổng diện tích 691,90ha, được phân theo 3 loại rừng để bảo vệ, gồm: rừng tự nhiên phòng hộ có diện tích 32ha và rừng trồng phòng hộ diện tích 659,90ha. Phân bố tại các vùng hạ lưu, cửa sông thuộc các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh. Triển khai xây dựng quy hoạch công viên rừng ngập mặn hạ lưu sông Rào Cái, đoạn từ cầu Hộ Độ đến cầu Thạch Đỉnh thuộc xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà với diện tích khoảng 130ha.

+ Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái sông, suối, ao hồ trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Duy trì, phát triển hệ thống các khu bảo tồn

- Vườn quốc gia Vũ Quang: Nâng cấp, quy hoạch lại và cắm mốc thực địa các phân khu chức năng trong Vườn quốc gia tổng diện tích 57.038ha, diện tích rừng đặc dụng là 52.742ha để bảo tồn các loài động thực vật, hệ sinh thái đặc thù; nâng cấp và mở rộng vườn thực vật; cải tạo, nâng cấp nhà trưng bày, lưu trữ mẫu vật; xây dựng đề án thành lập Trung tâm cứu hộ động vật, chuẩn bị cho quá trình đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong giai đoạn sau năm 2020.

- Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ: Duy trì, bảo vệ ĐDSH tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, diện tích quy hoạch là 42.062ha, trong đó: đất có rừng: 38.977ha, gồm rừng tự nhiên 31.496ha và rừng trồng 7.481ha; đất chưa có rừng: 3.036ha; đất khác: 49ha. Rà soát việc đáp ứng các tiêu chí chủ yếu của khu bảo tồn và thực hiện chuyển tiếp Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thành Khu Dự trữ thiên nhiên Kẻ Gỗ theo Luật Đa dạng sinh học, Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thành lập mới và triển khai xây dựng vườn thực vật, phòng trưng bày, lưu trữ mẫu vật để bảo tồn các loài thực vật bản địa đặc hữu, quý hiếm.

- Khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia vùng núi Giăng Màn: Định hướng đến năm 2030, quy hoạch phần diện tích rừng tự nhiên phòng hộ thuộc 04 xã Hương Lâm, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Bình thuộc huyện Hương Khê, diện tích khoảng 16.000ha là khu vực dự kiến thành lập mới khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia (vùng núi Giăng Màn). Tọa độ địa lý trong khoảng từ 17°39’ đến 18°06’ vĩ độ Bắc và từ 105°33’ đến 105°47’ kinh độ Đông.

- Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh vùng núi Hồng Lĩnh: đến năm 2030, thành lập mới Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh vùng núi Hồng Lĩnh, phạm vi quy hoạch là toàn bộ dãy núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận thị xã Hồng Lĩnh và ba huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, có tổng diện tích khoảng 9.707 ha. Trong đó, diện tích có rừng là 6.778 ha và diện tích chưa có rừng là 2.929 ha. Tọa độ địa lý từ 105°41’ đến 105°55’ kinh Đông và từ 18°28’ đến 18°39 vĩ Bắc.

4. Thành lập các hành lang đa dạng sinh học

Giai đoạn từ năm 2020-2030: Xác định phần ranh giới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, thành lập mới 02 hành lang đa dạng sinh học, gồm:

- Hành lang đa dạng sinh học Vũ Quang - Pù mát: thuộc địa phận thị trấn Vũ Quang thuộc huyện Vũ Quang và các xã Sơn Kim I, Sơn Tây, Sơn Hồng thuộc huyện Hương Sơn với diện tích khoảng 30.000ha.

- Hành lang đa dạng sinh học Vũ Quang - Khe Nét: thuộc địa phận các xã Hòa Hải, Hương Bình, Hương Long, Hương Vĩnh, Hương Xuân, Hương Lâm, Hương Liên, Phú Gia thuộc huyện Hương Khê với diện tích khoảng 58.786ha.

5. Xây dựng và nâng cấp một số cơ sở bảo tồn chuyển chỗ

[...]