Kế hoạch 185/KH-UBND năm 2021 về bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020

Số hiệu 185/KH-UBND
Ngày ban hành 14/06/2021
Ngày có hiệu lực 14/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 185/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 14 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021-2025

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2015-2020

1. Công tác tổ chức, triển khai thực hiện

Thực hiện Nghị quyết số 95/2012/NQ-HĐND ngày 08/12/2012 của Hội đồng nhân dân Tỉnh về việc Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đồng Tháp định hướng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 01/9/2015 về bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành Tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực được phân công, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường, đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp,…

2. Kết quả đạt được

2.1. Về bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên cạn

- Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được giữ vững theo chỉ tiêu Trung ương phân bổ với tổng diện tích rừng 6.093,68 ha, trong đó: rừng đặc dụng 2.747,76 ha; rừng phòng hộ 1.027,23 ha; rừng sản xuất 2.318,69 ha; tỷ lệ che phủ rừng 1,61%. Rừng trên địa bàn tỉnh là rừng trồng thuần loài tràm, sản phẩm chính là cừ, cọc phục vụ cho xây dựng công trình dân dụng, gia cố công trình bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

- Giai đoạn 2015 - 2020: diện tích rừng khai thác là 1.758,42 ha; rừng trồng đạt 1.753,77 ha (trong đó: trồng rừng đặc dụng 109,76 ha; trồng lại rừng sau khai thác: 1.644,01 ha). Sau khai thác, các chủ rừng sản xuất chủ động đầu tư trồng rừng thâm canh, áp dụng các biện pháp chăm sóc, tỉa thưa tạo điều kiện để cây rừng sinh trưởng, phát triển nhanh, rút ngắn chu kỳ khai thác, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; đồng thời, hệ thống mương, rãnh dưới tán rừng là môi trường thuận lợi cho các loài thủy sản sinh sống, góp phần tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp.

2.2. Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước

- Các khu bảo tồn hệ sinh thái ngập nước, khu bảo vệ cảnh quan trên địa bàn tỉnh gồm: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích lịch sử Xẻo Quít, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Trong đó, Vườn quốc gia Tràm Chim thực hiện bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, bảo tồn các nguồn gen sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm (sếu đầu đỏ, ngan cánh trắng, già đẫy…); Khu di tích Xẻo Quít, Khu di tích Gò Tháp thực hiện bảo tồn những giá trị độc đáo về di tích văn hóa, lịch sử.

- Hiện trạng cơ sở hạ tầng, sinh thái được bảo vệ và nâng cấp đáp ứng nhu cầu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước kết hợp phát triển du lịch sinh thái rừng. Các hộ dân vùng đệm được hỗ trợ và tạo điều kiện tham gia khai thác du lịch nhằm phát huy trách nhiệm của cộng đồng trong việc góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.

2.3. Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học nông nghiệp

a. Lĩnh vực trồng trọt

- Giống cây trồng và sản phẩm trồng trọt biến đổi gen được quản lý chặt chẽ; duy trì theo dõi giám sát các loài giống cây trồng, công tác kiểm dịch nội địa được thực hiện thường xuyên tại các cơ sở, công ty kinh doanh chế biến hàng hóa có nguồn gốc thực vật.

- Các giống lúa trồng hiện nay trên địa bàn tỉnh thuộc chi Oryza, chi này có 23 loài hoang dại và 02 loài lúa trồng Oryza sativa Oryza glaberrima thuộc loại lúa nhị bội 2n = 24 có bộ gen AA. Giống lúa trồng ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay đa phần là loài Oryza sativa.

- Bảo tồn các cây đầu dòng trên xoài, cây quýt…; trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo tồn cây S1 cây xoài Cát Chu và cát Hòa Lộc, quýt Hồng (6 cây quýt Hồng là cây được Viện cây ăn quả nhân giống từ cây quýt Hồng đầu dòng).

- Ứng dụng công nghệ cấy mô thành công 17 nhóm hoa kiểng (khoảng 40 - 50 giống loài) như hoa Đồng tiền, Cúc các loại, Lan ý, hoa Chuông, Lan (rừng), hoa Hồng, dứa Diễm phúc, Dạ yến thảo, chuối già Nam Mỹ và hiện nay đáp ứng yêu cầu thị trường về cây giống quy mô lớn. Đang tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm Kiểng lá đỏ, Diễm châu, Nhân hoa (nghệ sen), cây thuốc nam,…

- Công tác giám sát côn trùng ngoại lai được quan tâm, cụ thể đã triển khai giám sát chặt chẽ tình hình sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc.

b. Lĩnh vực chăn nuôi

Công tác quản lý giống vật nuôi được thực hiện thường xuyên như giống bò (lai Sind, Bradman, bò vàng địa phương…), giống trâu (bảo tồn và phát triển giống trâu bản địa tại huyện Tam Nông), giống vịt (bảo tồn và phát triển các giống vịt địa phương vịt Tàu, vịt bầu và phát triển các giống vịt lai có nguồn gốc nhập ngoại như vịt Charry Valley (Anh Quốc), vịt Bắc Kinh…), giống gà (bảo tồn và phát triển các giống gà địa phương và phát triển các giống gà lai có nguồn gốc nhập ngoại như gà Tam Hoàng (Quảng Đông -Trung Quốc), gà Hurbard gà công nghiệp lông trắng - Mỹ), giống heo (lai tạo các giống nhập ngoại như: Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain,...).

c. Lĩnh vực thủy sản

- Các cơ sở sản xuất giống hầu hết thực hiện theo quy định quản lý giống thủy sản (quản lý, chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá Tra, cá Điêu hồng, cá Sặc rằn bố mẹ được chọn lọc di truyền và đang cho sinh sản cung cấp cá bột cho người nuôi giống; lưu trữ một số loài cá bố mẹ Basa, cá Hú và cá Thát lát còm).

- Tổ chức các hoạt động phóng sinh, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Tỉnh vào các ngày lễ lớn trong năm. Hàng năm các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội và địa phương bổ sung hơn 2 triệu con cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản gồm các loài cá bản địa, có giá trị kinh tế như cá Mè Vinh, cá He Vàng, cá Tra, cá Hô, cá Chài, cá Ét Mọi, Cá Tra bần, cá Bông Lau...

- Triển khai Điều tra tổng thể đa dạng sinh học của hệ sinh thái thủy vực trên địa bàn và xác định loài cần bảo tồn và khu vực cần quy hoạch bảo tồn.

2.4. Sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật

a. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát động vật hoang dã

[...]