Kế hoạch 3033/KH-UBND năm 2022 về cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh Gia Lai

Số hiệu 3033/KH-UBND
Ngày ban hành 23/12/2022
Ngày có hiệu lực 23/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Trương Hải Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3033/KH-UBND

Gia Lai, ngày 23 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2023 CỦA TỈNH GIA LAI

Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030; Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, triển khai có hiệu quả và hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Gia Lai.

b) Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần cải thiện Chỉ số CCHC của tỉnh, Chỉ số chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số đánh giá chuyển đổi số.

c) Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); Công tác kiểm tra, rà soát và xử lý kết quả kiểm tra, rà soát văn bản QPPL đảm bảo kịp thời, phù hợp với quy định pháp luật và tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

d) Triển khai đầy đủ, đồng bộ các quy định về theo dõi thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

đ) Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân, doanh nghiệp; TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và thanh toán trực tuyến để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi trên các phương tiện khác nhau.

e) Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích như sau: (1) Phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

g) Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống hành chính nhà nước. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với việc tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

h) Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước.

i) Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, tài chính đối với các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ về quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

k) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Chính quyền điện tử, Chính quyền số góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

2. Yêu cầu

a) Các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định được tầm quan trọng của CCHC, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

b) Các nội dung CCHC phải được thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, có chất lượng và hiệu quả.

c) Kế thừa và phát huy những thành tích về CCHC đã đạt được trong thời gian vừa qua, chủ động nghiên cứu, sáng tạo, quyết liệt áp dụng các giải pháp nhằm khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém trong CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm đẩy mạnh CCHC năm 2023 và những năm tiếp theo.

d) Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

II. NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

1. Cải cách thể chế

a) Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật

- Thực hiện đúng và đầy đủ trình tự, thủ tục trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL.

- Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL; tăng cường tham vấn ý kiến chuyên môn của các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và tham vấn ý kiến rộng rãi của người dân, tổ chức và xã hội trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL, bảo đảm tính minh bạch, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

- Tăng cường kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.

- Thực hiện kịp thời, đúng tiến độ xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL; khắc phục tình trạng chậm trễ trong công tác xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL.

b) Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật

[...]