Kế hoạch 4344/KH-UBND năm 2022 về cải cách hành chính nhà nước năm 2023 tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 4344/KH-UBND
Ngày ban hành 20/12/2022
Ngày có hiệu lực 20/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Đoàn Anh Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4344/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 20 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC NĂM 2023 TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 07/9/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Kế hoạch số 3612/KH-UBND ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Bình Thuận;

Căn cứ Kế hoạch số 2621/KH-UBND ngày 11/8/2022 của UBND tỉnh về điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch số 3612/KH-UBND ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025;

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) nhà nước năm 2023 tỉnh Bình Thuận, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Cải cách thể chế

a) Mục tiêu

- 100% văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh phải được ban hành đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

- Xử lý hoặc kiến nghị xử lý dứt điểm 100% các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh ban hành trái pháp luật phát hiện qua kết quả rà soát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

b) Nhiệm vụ

- Tiếp tục tham mưu hoàn thiện, ban hành đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương. Không để xảy ra tình trạng ban hành văn bản trái quy định, xin lùi thời hạn trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật do nguyên nhân chủ quan.

- Thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023 thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục.

- Thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương.

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương; kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật.

2. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC)

a) Mục tiêu

- Tối thiểu 70% hồ sơ TTHC cấp tỉnh, cấp huyện; 60% hồ sơ TTHC cấp xã được luân chuyển giữa các cơ quan tham gia giải quyết bằng phương thức điện tử.

- Tối thiểu 80% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến; trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 10% trở lên.

- Số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (đảm bảo đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100%).

- Tối thiểu 80% TTHC của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (một phần, toàn trình). Trong số đó, ít nhất 90% TTHC được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt tối thiểu 35%.

- Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 86%. Riêng mức độ hài lòng về giải quyết các TTHC lĩnh vực đất đai đạt tối thiểu 83%.

- 90% TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công bố danh mục, công khai và cập nhật kịp thời.

- Người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ (đảm bảo đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100%).

b) Nhiệm vụ

[...]