Kế hoạch 232/KH-UBND năm 2022 về cải cách hành chính tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Số hiệu 232/KH-UBND
Ngày ban hành 24/12/2022
Ngày có hiệu lực 24/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 232/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 24 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2023

Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Công văn số 3759/BNV-CCHC ngày 02/8/2021 của Bộ Nội vụ hướng dẫn triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Tuyên Quang năm 2023, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ; Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

1.2. Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

1.3. Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số được vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng cao, sử dụng nguồn nhân lực tối ưu, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, giải quyết hiệu quả những nhiệm vụ đột phá, lĩnh vực trọng tâm để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững quốc phòng - an ninh của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030.

2. Yêu cầu

2.1. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trên cơ sở tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị mình.

2.2. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.

2.3. Chủ động nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến, giải pháp, cách làm mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Cải cách thể chế

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; 100% văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời, đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi. Tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

2. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC)

2.1. Tập huấn chuyên sâu về công tác nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính.

2.2. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cấp chính quyền kịp thời được công bố danh mục, quy trình nội bộ, xây dựng quy trình điện tử và công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; niêm yết tại Bộ phận Một cửa và trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.

2.3. 100% hồ sơ TTHC được thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

2.4. Rà soát, chuẩn hoá, điện tử hoá mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hoá.

2.5. 100% hồ sơ TTHC để chậm, muộn phải có văn bản xin lỗi theo quy định.

2.6. Phấn đấu mức độ hài lòng của người dân và tổ chức về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 85% trở lên; giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa các cấp xuống trung bình còn tối đa 25 phút/01 lần giao dịch.

2.7. Tiếp tục triển khai thực hiện số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị tái sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

2.8. Phấn đấu tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ giải quyết đạt từ 70% trở lên; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (so với tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang cung cấp) được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tăng thêm 20% so với năm 2022; đưa 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công toàn trình lên cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

2.9. Tối thiểu 60% hồ sơ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 15% trở lên.

3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

3.1. Rà soát, hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan, đơn vị theo quy định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ, ngành và phù hợp với thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ.

[...]