Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 2943/KH-UBND năm 2021 về cải cách hành chính tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 2943/KH-UBND
Ngày ban hành 20/09/2021
Ngày có hiệu lực 20/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2943/KH-UBND

Lai Châu, ngày 20 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2021-2030

Để đảm bảo tổ chức triển khai có hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 76/NQ- CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 20/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Thực hiện hướng dẫn triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 tại Công văn số 3759/BNV-CCHC ngày 02/8/2021 của Bộ Nội vụ. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2030, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Xây dựng nền hành chính phục vụ, dân chủ, hiện đại, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm tận tụy phục vụ Nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng Kế hoạch Cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 phải được tiến hành đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch phải bảo đảm thiết thực, phù hợp, khả thi, bám sát sự chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, thường xuyên trên cơ sở tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, đơn vị mình.

- Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương.

II. NỘI DUNG, CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Cải cách hành chính tỉnh Lai Châu thực hiện trên cơ sở 6 nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, đó là: (1) Cải cách thể chế; (2) Cải cách thủ tục hành chính; (3) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; (4) Cải cách chế độ công vụ; (5) Cải cách tài chính công; (6) Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

Trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới là: Cải cách thể chế, trong đó tập trung nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

1. Cải cách thể chế

a) Chỉ tiêu

- Trên 95% các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được ban hành đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

- 100% các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành được kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.

- Thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Nhiệm vụ và giải pháp

- Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện khai thông nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư, ưu tiên nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện hoặc ban hành mới một số chính sách, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư vào thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

- Thường xuyên rà soát, kiểm tra, tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật, nhất là ở các lĩnh vực: tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức; phân cấp, ủy quyền; quản lý đất đai, môi trường; quy hoạch, xây dựng; tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản; xã hội hóa và quản lý cung ứng dịch vụ công... để kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật.

- Tăng cường vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng trong phản biện và giám sát thi hành pháp luật.

2. Cải cách thủ tục hành chính

a) Chỉ tiêu

* Đến năm 2025

- Cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31 tháng 5 năm 2020.

[...]