Kế hoạch 136/KH-UBND năm 2021 về cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 136/KH-UBND
Ngày ban hành 24/08/2021
Ngày có hiệu lực 24/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 136/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 24 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2030

Thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030 như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Cụ thể hóa và tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã đề ra, xây dựng nền hành chính tỉnh Ninh Bình dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

1.2. Các mục tiêu cụ thể

a) Về cải cách thể chế

+ Phấn đấu đến năm 2025: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của tỉnh về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức; về phát triển kinh tế và về chuyển đổi số; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

+ Phấn đấu đến năm 2030: Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế của nền hành chính hiện đại, thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế tỉnh.

b) Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC)

- Phấn đấu đến năm 2025

+ Năm 2021, số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 30%, 20% và 15%; giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm tăng tối thiểu 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

+ Rà soát, đề nghị các bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đảm bảo giảm tối thiểu 20% số quy định và chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh.

+ Triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 100% Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, trừ các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.

+ Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận; tối thiểu từ 80% trở lên hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử; 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng.

+ Tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử.

+ Tối thiểu 80% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trc tuyến, trong số đó, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên.

+ 100% TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước được công bố, công khai và cập nhật kịp thời.

+ 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.

+ Năng suất tiếp nhận hồ sơ trung bình của 01 nhân sự trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tối thiểu là 1.600 hồ sơ/năm; tại Bộ phận một cửa cấp huyện tối thiểu là 1.200 hồ sơ/năm; tại Bộ phận một cửa cấp xã tối thiểu là 800 hồ sơ/năm (trừ trường hợp tổng số hồ sơ tiếp nhận trong năm/01 Bộ phận Một cửa ít hơn chỉ tiêu trên).

+ Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình tối đa 15 phút/ lượt giao dịch. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt từ 95% trở lên.

- Phấn đấu đến năm 2030

+ 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên.

+ Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%.

+ 90% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền.

+ Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 95%, trong đó: mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 90%.

[...]