Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 2735/KH-UBND năm 2022 về vận động nguồn lực cho hoạt động Bảo trợ trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 2735/KH-UBND
Ngày ban hành 04/05/2022
Ngày có hiệu lực 04/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2735/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 04 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

VẬN ĐỘNG NGUỒN LỰC CHO HOẠT ĐỘNG BẢO TRỢ TRẺ EM TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Luật Trẻ em năm 2016; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 04/5/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch Vận động nguồn lực cho hoạt động Bảo trợ trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo sự chuyển biến sâu sắc của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, cùng chung tay hỗ trợ vật chất, tinh thần giúp đỡ, chia sẻ với trẻ em không may gặp rủi ro, những mảnh đời bất hạnh, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

2. Tạo điều kiện và cơ hội để trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng thực hiện các quyền cơ bản của mình, phát triển toàn diện, góp phần xây dựng nguồn nhân lực của tỉnh nhà có chất lượng tốt trong tương lai. Bảo đảm cho mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục một cách tốt nhất; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em và giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ và trẻ em giữa các vùng, miền đảm bảo cho trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

3. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân dành phần thu nhập, lợi nhuận đóng góp nguồn lực cho hoạt động Bảo trợ trẻ em. Tập trung nguồn kinh phí để kịp thời hỗ trợ chăm lo tốt hơn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Vận động nguồn lực xã hội để ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; phẫu thuật cho trẻ em bị khuyết tật; hỗ trợ trẻ em được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí… từng bước giảm khoảng cách chênh lệch, nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em và giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ và trẻ em giữa các vùng, miền, đảm bảo cho trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh góp phần nâng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, trợ giúp.

2. Chỉ tiêu cụ thể

a) Phấn đấu vận động đạt 20 tỷ đồng (bình quân mỗi năm đạt 5 tỷ đồng) để hỗ trợ trực tiếp cho 50.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Trong đó:

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 02 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 500.000.000 đồng.

- Tranh thủ nguồn hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam: 3 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 750.000.000 đồng.

- Vận động các doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện, xã hội, các tổ chức phi chính phủ: 13 tỷ đồng.

- Vận động đóng góp trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: 2 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 500.000.000 đồng.

b) Vận động 100% cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động tham gia các hoạt động chăm sóc, bảo vệ và đóng góp nguồn lực cho hoạt động Bảo trợ trẻ em tỉnh.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng:

a) Đối tượng vận động

- Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Trung ương);

- Các tổ chức xã hội, từ thiện và các tổ chức phi Chính phủ;

- Các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh;

- Sự đóng góp tự nguyện của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

b) Đối tượng thụ hưởng

Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma tuý; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em mắc các bệnh nặng, hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao; trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng bị thiên tai, dịch bệnh; trẻ em được tài trợ theo địa chỉ cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ; hỗ trợ học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó, học khá, giỏi.

2. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

[...]