Kế hoạch 272/KH-UBND năm 2020 về ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 272/KH-UBND
Ngày ban hành 21/12/2020
Ngày có hiệu lực 21/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Minh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 272/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 21 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2021-2025

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ

Trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, các kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), an toàn thông tin và tổ chức thực hiện trong các cơ quan quản lý Nhà nước giai đoạn 2016-2020, nhằm đẩy mạnh việc phát triển và ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh. Tổng số các văn bản UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành là 60 văn bản, trong đó có 39 Quyết định, 29 Kế hoạch và 02 Chỉ thị.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm; Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT;thực hiện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh ứng dụng CNTT ngày càng có hiệu quả; đồng thời công khai, minh bạch kết quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và đem lại sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp.

II. HẠ TẦNG KỸ THUẬT

Trong giai đoạn 2016 - 2020, hạ tầng kỹ thuật CNTT trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng việc ứng dụng CNTT, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; đảm bảo cung cấp dịch vụ, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Tính đến hết 30/11/2020, tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã được trang bị máy tính làm việc là 96% máy tính/cán bộ (16.661 máy tính/17.356 cán bộ).

Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã có mạng LAN nội bộ và kết nối mạng Internet tốc độ cao phục vụ công tác.

Trên địa bàn toàn tỉnh, hiện có 03 trung tâm mạng và tích hợp dữ liệu phục vụ hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước:

- Trung tâm Mạng Văn phòng Tỉnh ủy: Được trang bị hệ thống máy chủ, các thiết bị Router, Firewall, thiết bị giám sát và phát hiện xâm nhập (IPS) cơ bản đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về an ninh, an toàn toàn thông tin mạng, đảm bảo cho việc duy trì, khai thác các hệ thống thông tin, CSDL, các phần mềm ứng dụng cho các cơ quan Đảng từ cấp tỉnh đến cấp xã.

- Trung tâm tích hợp dữ liệu, Văn phòng UBND tỉnh: Hiện nay có 15 máy chủ và một số thiết bị định tuyến (Router), thiết bị an ninh mạng (firewall) đảm bảo đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về an ninh, an toàn toàn thông tin mạng để phục vụ các nhiệm vụ lưu trữ nội dung (Hosting) của Cổng thông tin điện tử của tỉnh (bao gồm cả trang thông tin thành phần của một số đơn vị cấp huyện, cấp sở), hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh, các phần mềm ứng dụng nội bộ Văn phòng UBND tỉnh. Trung tâm tích hợp dữ liệu đã thực hiện kết nối, liên thông trao đổi thông tin, văn bản giữa UBND tỉnh với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng.

- Trung tâm An ninh mạng và An toàn dữ liệu đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông: Được đầu tư xây dựng từ năm 2009, hiện có 28 máy chủ, các thiết bị Router, Firewall, thiết bị giám sát và phát hiện xâm nhập (Cisco IPS); cơ bản đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về an ninh, an toàn toàn thông tin mạng để phục vụ thực hiện các nhiệm vụ giám sát và cảnh báo lỗ hổng cho các hệ thống thông tin của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; cài đặt phần mềm và lưu trữ CSDL của hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hosting cho các trang thông tin điện tử của sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã; kết nối với Trung tâm tích hợp dữ liệu đặt tại Văn phòng UBND tỉnh qua đường truyền số liệu chuyên dùng để đảm bảo hoạt động song song và dự phòng cho hệ thống máy chủ phục vụ phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh.

Ngoài ra, một số sở, ngành lớn như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Trường Đại học Hồng Đức có Trung tâm dữ liệu nhỏ có từ 03- 05 máy chủ để cài đặt các phần mềm, CSDL chuyên ngành.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã triển khai tại 320 điểm cầu (31 điểm cầu của khối các cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện; 8 điểm cầu của khối các cơ quan Đảng; 281 điểm cầu tại UBND cấp xã tại 11 huyện) đang phát huy hiệu quả, tạo môi trường hội họp hiện đại, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, đảm bảo triển khai các cuộc họp nhanh chóng, nhất là trong các tình huống khẩn cấp như phòng chống dịch bệnh, bão lụt, thiên tai.... Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, hệ thống này đã phát huy hiệu quả tích cực, đã tổ chức nhiều cuộc họp của UBND tỉnh với các sở, ngành; nhiều cuộc họp của các ngành triển khai nhiệm vụ đến UBND cấp huyện và các Bộ, ngành Trung ương...

Hệ thống phòng họp không giấy tờ (Ecabinet) đã được triển khai tại 18 đơn vị (gồm: 03 đơn vị cấp tỉnh là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải và Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; 15 đơn vị cấp huyện), bước đầu đạt được nhiều tiện ích, hiệu quả hơn so với phương thức tổ chức họp truyền thống.

III. CÁC HỆ THỐNG NỀN TẢNG

Nền tảng tích hợp dữ liệu (LGSP) tỉnh đã kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã. Ngoài ra, còn đảm bảo kết nối, liên thông các phần mềm ứng dụng dùng chung, các phần mềm chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, góp phần chia sẻ, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.Thông qua Nền tảng tích hợp dữ liệu (LGSP) của tỉnh, Cổng Dịch vụ công đã kết nối với Cổng Dịch vụ Công Quốc gia và tích hợp, cung cấp 333 DVC1 mức độ 3, mức độ 4 lên trên Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối với hệ thống giám sát thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin của Cổng Thông tin điện tử và Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

IV. PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU

Hiện nay, việc triển khai các ứng dụng CNTT tại các ngành, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; ngoài việc triển khai các ứng dụng dùng chung, các ngành, đơn vị còn triển khai các ứng dụng chuyên ngành, xây dựng hệ thống dữ liệu riêng nhằm phục vụ công tác quản lý. Hiện các đơn vị đang xây dựng dữ liệu ở dạng phân tán, chưa được kết nối, chia sẻ nhằm tạo nên Kho dữ liệu tập trung của tỉnh, như:

- Ngành Tài nguyên và Môi trường: Hệ thống thông tin, CSDL ngành Tài nguyên và Môi trường bao gồm: Hồ sơ đất đai, khoáng sản của các tổ chức trên địa bàn tỉnh; CSDL tài nguyên nước; CSDL tài nguyên môi trường biển; CSDL đa dạng sinh học và an toàn sinh học đã được xây dựng và phục vụ công tác quản lý của ngành. Hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động, cố định được đầu tư và bước đầu đi vào vận hành, sử dụng tại 03 điểm (bao gồm 02 trạm quan trắc môi trường không khí; 01 trạm quan trắc môi trường nước biển) cơ bản đã đáp ứng nhu cầu thu thập và cung cấp thông tin, đưa ra những phát hiện, cảnh báo sớm các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

- Ngành Tư pháp: Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành Tư pháp bao gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng và thông tin ngăn chặn được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh; Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung; Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; Quản lý thông tin công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng; Hệ thống thông tin quản lý đấu giá tài sản; Phần mềm thống kê ngành Tư pháp; Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật; đã được đầu tư xây dựng, phục vụ công tác khai thác, lưu trữ thông tin, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch.

- Ngành Giao thông vận tải: Triển khai đồng bộ việc cấp đổi giấy phép lái xe bằng vật liệu PET; Phần mềm bảo trì đường bộ; phần mềm giám sát hành trình; phần mềm quản lý tàu sông; phần mềm quản lý cầu địa phương; …

- Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai sử dụng thống nhất, đồng bộ các phần mềm ứng dụng trong toàn ngành như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục phổ thông; Phần mềm quản lý trường học Vnedu, Smas, Misa; Sổ liên lạc điện tử; phần mềm quản lý nhân sự (PMIS); Quản lý văn bằng chứng chỉ; Quản lý các kỳ thi; Quản lý sáng kiến kinh nghiệm; Hệ thống điều hành tác nghiệp trên thiết bị di động; Quản lý phổ cập, xóa mù. Hệ thống Thông tin ngành Giáo dục được xây dựng đã góp phần nâng cao hoạt động quản lý và giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, góp phần hiện đại hoá và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Ngành Tài chính: Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (Tabmis); hệ thống trực tuyến cấp mã số cho đơn vị quan hệ ngân sách mức độ 4; Hệ thống quản lý tài sản Nhà nước trên 500 triệu; Báo cáo quyết toán Ngân sách 2.0; Quản lý Tài chính về an sinh xã hội. Nâng cấp, hoàn thiện và triển khai mới các phần mềm ứng dụng CNTT ngành Tài chính, gồm: Nâng cấp hệ thống khai thác báo cáo từ Tabmis cho Sở Tài chính và 27 Phòng Tài chính, kế hoạch huyện, thị xã, thành phố; Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin thống kê Tài chính online cho ngành Tài chính Thanh Hóa.

- Ngành Lao động Thương binh và Xã hội: Xây dựng và quản lý một số phần mềm và CSDL, Hệ thống phần mềm tra cứu trực tuyến người có công; CSDL hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội; CSDL cung/cầu lao động; CSDL tài chính trợ cấp ưu đãi người có công; Hệ thống các phần mềm và CSDL đều được triển khai đồng bộ ở 27 UBND các huyện, thị xã, thành phố; khi đưa vào sử dụng, khai thác giúp cho người dân dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin về hồ sơ người có công; đồng thời giúp cho các bộ, công chức trong việc quản lý, tra cứu, khai thác thông tin và thực hiện các chế độ chính sách cho các cá nhân, hộ gia đình được hưởng các chế độ bảo trợ của nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh một cách chính xác, kịp thời. Cập nhật, số hoá cơ sở dữ liệu 469.085 hồ sơ đối tượng người có công với cách mạng đang quản lý trên địa bàn tỉnh.

[...]