Kế hoạch 206/KH-UBND năm 2021 về phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 206/KH-UBND
Ngày ban hành 20/10/2021
Ngày có hiệu lực 20/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 206/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 20 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG NĂM 2022

Thực hiện Công văn số 3570/BTTTT-THH ngày 16/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển Chính phủ số, Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022 như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2021

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch, quyết định để triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông[1].

II. HẠ TẦNG KỸ THUẬT

Hạ tầng viễn thông của tỉnh kết nối thông suốt đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, bảo đảm thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; cơ bản đáp ứng nhu cầu ứng dụng sử dụng dịch vụ của người dân, doanh nghiệp. Toàn tỉnh có 2.818 trạm BTS phát sóng di động 2G/3G/4G, 100% xã, phường, thị trấn có cáp quang đến và cung cấp dịch vụ Internet băng rộng.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đáp ứng yêu cầu, 100% các cơ quan, đơn vị kết nối internet tốc độ cao và có hệ thống mạng LAN; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị khối hành chính đạt 99%. Trong đó, cấp tỉnh và cấp huyện đạt 100%; cấp xã đạt 97%.

100% các cơ quan, đơn vị được triển khai, kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng để ứng dụng cho hoạt động của Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến.

Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư nâng cấp và duy trì hoạt động ổn định, thường xuyên phục vụ quản lý hệ thống thư điện tử công vụ; phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; phần mềm chuẩn hóa, tạo lập, chuyển đổi cơ sở dữ liệu (CSDL) hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC); hệ thống giám sát an toàn mạng thông tin, trang thông tin điện tử của tỉnh, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, lưu trữ dữ liệu dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và một cửa điện tử của tỉnh, hệ thống phần mềm lưu trữ tài liệu lịch sử tỉnh, hệ thống phần mềm CSDL công chứng và một số ứng dụng dùng chung, ứng dụng chuyên ngành khác.

III. CÁC HỆ THỐNG NỀN TẢNG

- Duy trì nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và kết nối LGSP với các cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách, Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, Hệ thống của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST), cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công của tỉnh.

- Triển khai Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, đảm bảo thực hiện chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND ngày 07/01/2020 của UBND tỉnh. Tỷ lệ báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi nhận qua hệ thống đạt 100%.

- Triển khai Cổng dữ liệu chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn (giai đoạn 1), là đầu mối cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp khai thác dữ liệu khi có nhu cầu, CSDL của cơ quan nhà nước được hình thành, chuẩn hóa, chuyển đổi, tích hợp lên hệ thống quản lý CSDL dùng chung để chia sẻ phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, Nền tảng cửa khẩu số tự động hóa quy trình, giảm thời gian cho doanh nghiệp thông quan, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hiện nay đã thi công, lắp đặt hệ thống camera AI tại cửa khẩu, kết nối với hệ thống camera trên quốc lộ 1A để giám sát mật độ, lưu lượng xe đến cửa khẩu phục vụ cho việc điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, tổ chức tập huấn 02 lớp hướng dẫn sử dụng cho các cơ quan, đơn vị tại khu vực cửa khẩu (vào ngày 04/10/2021), Nền tảng cửa khẩu số chính thức hoạt động trong tháng 10/2021. Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ số trong quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động cửa khẩu.

- Triển khai hỗ trợ 100% bệnh viện tuyến huyện có hệ thống hội chuẩn từ xa (Telehealth-Viettel) do Tập đoàn Viettel hỗ trợ, giúp người dân được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần giảm tải của bệnh viện tuyến trên, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19; triển khai Nền tảng quản lý tiêm chủng, kế hoạch tiêm, nhập dữ liệu, thông báo tin nhắn,...hoàn toàn thực hiện trên Nền tảng tiêm chủng, tỉnh Lạng Sơn luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về triển khai Nền tảng tiêm chủng, đã nhập dữ liệu được 558.6160 mũi tiêm, đạt 100%.

IV. PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU

Từ năm 2018 đến nay, thực hiện việc số hóa hồ sơ, tài liệu lưu trữ của tỉnh theo Đề án đã được phê duyệt, từng bước hình thành CSDL số phục vụ công tác lưu trữ lịch sử và khai thác. Tổng số cơ sở dữ liệu lưu trữ được số hóa đến thời điểm hiện tại, với tổng số: 15 phông, 25.340 hồ sơ, 554.231 văn bản, 924.838 trang tài liệu số hóa.

Triển khai cơ sở dữ liệu số hóa hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tỉnh. Giai đoạn 1 triển khai cho khối sở, ban, ngành và UBND cấp huyện được 7.394 hồ sơ CBCCVC; giai đoạn 2 đang triển khai khối cấp xã, đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế, theo lộ trình đến hết năm 2021 hoàn thành 100% CBCCVC được số hóa hồ sơ.

- Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công của tỉnh để khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, giảm bớt thành phần hồ sơ TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp.

V. CÁC ỨNG DỤNG, DỊCH VỤ

1. Ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước

- Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai đến 100% các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Trong đó: cấp tỉnh có 20 đơn vị sử dụng, cấp huyện có 11 đơn vị sử dụng, cấp xã có 200 đơn vị sử dụng, tổng số có 15.630 người sử dụng, hệ thống cơ bản đáp ứng được yêu cầu xử lý công việc của CBCCVC. Tổng số văn bản điện tử trên toàn tỉnh từ tháng 01/2021đến hết tháng 9/2021 là 287.752/287.752 văn bản, đạt tỷ lệ 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật).

- Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh có 213 điểm cầu. Trong đó: cấp xã 200 điểm cầu, cấp huyện 11 điểm cầu, cấp tỉnh 02 điểm cầu.Hệ thống hoạt động hiệu quả, chất lượng âm thanh, hình ảnh cơ bản đáp ứng yêu cầu, tổ chức các cuộc họp nhanh, kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí, trong 9 tháng đầu năm có 355 cuộc họp (trong đó có 04 cuộc họp 4 cấp, 25 cuộc họp 3 cấp, 326 cuộc họp 2 cấp), do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên hầu hết các cuộc họp thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

- Các tổ chức, cá nhân lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được cấp chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để thực hiện ký số văn bản điện tử. Đến thời điểm hiện tại trên toàn tỉnh đã cấp 2.312 chữ ký số (trong đó có 734 chứng thư số tổ chức, 1.578 chứng thư số cá nhân), trong 9 tháng đầu năm đã cấp 113 chữ ký số tổ chức, 456 chữ ký số cá nhân. Các cơ quan, đơn vị đã ứng dụng hiệu quả chữ ký số được cấp, 100% văn bản điện tử gửi đi được ký số, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm chi phí, tạo được môi trường làm việc hiện đại.

[...]