Kế hoạch 27/KH-UBND năm 2022 thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 27/KH-UBND
Ngày ban hành 17/02/2022
Ngày có hiệu lực 17/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Phước Hiền
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 17 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN KHU VỰC (HIỆP ĐỊNH RCEP) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP); xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Công văn số 228/SCT-QLTM ngày 10/02/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (gọi tắt là Kế hoạch), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện từng nội dung của Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực tới các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Yêu cầu

Thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, của ngành, của đơn vị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định RCEP đem lại; đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định RCEP.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP

a) Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về Hiệp định RCEP và các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để thực hiện Hiệp định RCEP cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã và Nhân dân trên địa bàn tỉnh thông qua hình thức phù hợp: Trực tuyến, phát thanh và truyền hình, trang thông tin điện tử, các ấn phẩm, cẩm nang, các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị tiếp xúc, đối thoại nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về các nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả Hiệp định RCEP.

b) Chú trọng công tác tập huấn cho các cán bộ, công chức, người lao động thuộc các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp về một số lĩnh vực như thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường các nước tham gia Hiệp định RCEP, đầu tư, dịch vụ, hải quan, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ... bảo đảm các doanh nghiệp cũng như các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước hiểu rõ, hiểu đúng về Hiệp định RCEP, từ đó giúp việc tận dụng và thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.

c) Thiết lập đầu mối thông tin về Hiệp định RCEP tại Sở Công Thương - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tỉnh. Đồng thời Sở Công Thương chủ động, phối hợp với cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương, để kịp thời cung cấp thông tin, triển khai hướng dẫn đến các cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiểu rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến Hiệp định.

d) Tăng cường đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước thông qua hệ thống các thương vụ, trung tâm thông tin, trung tâm xúc tiến thương mại... để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước tham gia Hiệp định RCEP.

2. Công tác rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế

a) Trong quá trình triển khai thực hiện, các sở, ban ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới quy định, kế hoạch, chương trình hành động của ngành, đơn vị, địa phương mình đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.

b) Thường xuyên theo dõi, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung trên hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định của tỉnh đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Hiệp định. Đăng tải công khai, chính xác nội dung các văn bản, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân tìm hiểu và áp dụng vào hoạt động điều hành, sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

c) Nâng cao nhận thức và năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế, các điều ước về thương mại quốc tế, trước hết là cho cán bộ chủ chốt các ngành và chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cán bộ làm công tác tố tụng, đội ngũ luật sư và những người trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP

a) Đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo lập và củng cố nền hành chính năng động, dân chủ, hiện đại; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

b) Đẩy mạnh công tác xây dựng và thực hiện các quy định về bản quyền và xuất xứ hàng hóa; xây dựng các chương trình hỗ trợ, hướng dẫn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định.

c) Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại các doanh nghiệp và các ngành sản xuất.

d) Đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư tại các nước tham gia Hiệp định RCEP nhằm thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp các nước về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của tỉnh; giới thiệu tiềm năng thế mạnh của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

đ) Tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phù hợp với sự phát triển nền công nghiệp cả nước; tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Gắn kết giữa phát triển công nghiệp với thương mại, gắn sản xuất với thị trường. Đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong chế biến nâng cao giá trị sản phẩm; ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu, áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế vào quá trình quản lý và sản xuất, kinh doanh hàng hóa.

e) Tập trung cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

g) Tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối, hợp tác đầu tư, kinh doanh với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa.

h) Thông qua các hoạt động trao đổi đoàn các cấp để củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, tạo thuận lợi cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chú trọng sự hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, khoa học - công nghệ, đàm phán, ký kết các thỏa thuận với đối tác, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các nước thành viên Hiệp định RCEP.

i) Nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; thông qua Hiệp hội nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra định hướng cho các doanh nghiệp đổi mới văn hóa sản xuất, khởi nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

[...]