Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 1638/KH-UBND năm 2022 thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 1638/KH-UBND
Ngày ban hành 21/03/2022
Ngày có hiệu lực 21/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1638/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 21 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN KHU VỰC (HIỆP ĐỊNH RCEP) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Triển khai thực hiện Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 06/07/2021 của Chính phủ về việc phê duyệt Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP); Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP); UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh nắm được nội dung Hiệp định RCEP và cách thức thực thi cam kết của Hiệp định trong từng lĩnh vực một cách đúng đắn và nhất quán.

b) Cụ thể hóa và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức chỉ đạo điều hành và triển khai, thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả Hiệp định này.

2. Yêu cầu

a) Đảm bảo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiệp định RCEP.

b) Xác định nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; bảo đảm chất lượng, tiết kiệm và tiến độ hoàn thành công việc.

c) Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo sự thống nhất và phối hợp của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn trong quá trình thực hiện.

d) Trong quá trình thực hiện phải thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đảm bảo hiệu quả của việc triển khai thi hành Hiệp định.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP

a) Tăng cường phổ biến về Hiệp định RCEP và các văn bản quy phạm pháp luật cho các đối tượng có liên quan, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cơ quan quản lý ở địa phương thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các ấn phẩm, tài liệu, các chương trình phát thanh và truyền hình, các lớp tập huấn, hội thảo, đối thoại nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả RCEP.

b) Tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp về một số lĩnh vực chính như: thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường các nước tham gia Hiệp định RCEP,...

c) Thiết lập đầu mối thông tin về RCEP để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến Hiệp định. Sử dụng, đăng tải tài liệu trên trang, chuyên mục thông tin điện tử nhằm tăng khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp một cách nhanh chóng, tiết kiệm.

d) Đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước để các doanh nghiệp có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước tham gia RCEP.

2. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi và bổ sung các cơ chế, chính sách kinh tế của tỉnh khi tham gia Hiệp định RCEP

a) Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành (nếu có) có nội dung liên quan đến Hiệp định RCEP để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu của Hiệp định và cam kết quốc tế.

b) Xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh để phù hợp với những yêu cầu của các FTA mà Việt Nam đã ký kết (nếu có).

c) Thiết lập đầu mối phụ trách việc triển khai thực hiện Hiệp định RCEP để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội kết hợp với phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP

a) Xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, chính sách hỗ trợ cho những ngành hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định.

b) Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

c) Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại các nước tham gia Hiệp định RCEP; tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, qua đó phát triển quan hệ thương mại, thu hút nguồn vốn từ các nước thành viên Hiệp định vào những lĩnh vực trọng điểm; tận dụng công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại, thành quả của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 nhằm tháo gỡ những nút thắt có thể gây cản trở cho hoạt động của một số ngành.

d) Đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho doanh nghiệp, nghiên cứu và khai thác thị trường thành viên; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh doanh bền vững; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp từ các nước đối tác tham gia Hiệp định RCEP.

e) Nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp; thông qua các hiệp hội doanh nghiệp nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

[...]