Kế hoạch 266/KH-UBND năm 2021 về ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 266/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 31/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 266/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÁC CÔNG NGHỆ MỚI CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Chương trình số 52-CTr/TU ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Chương trình 03-CTr/TU ngày 04 tháng 11 năm 2020 của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025;

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch ứng dụng các công nghệ mới của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (viết tắt là CMCN 4.0) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Chủ động tiếp cận với CMCN 4.0, áp dụng các công nghệ mới trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để hoạt động hiệu lực, hiệu quả minh bạch hơn; nâng cao hiệu quả theo dõi, giám sát, điều hành và hỗ trợ chỉ huy kịp thời tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

b) Lồng ghép các công nghệ mới của CMCN 4.0 vào chương trình, kế hoạch đầu tư, ứng dụng chuyển giao công nghệ triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 của các ngành, lĩnh vực; lựa chọn một số nhiệm vụ phù hợp để đầu tư, phát triển CMCN 4.0 nhằm tận dụng các cơ hội do CMCN 4.0 mang lại, theo kịp xu thế phát triển, giảm thiểu nguy cơ tụt hậu về áp dụng công nghệ mới, góp phần nâng cao năng suất lao động và phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ.

2. Yêu cầu

Xác định cụ thể các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, các ngành/lĩnh vực chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, giải pháp hợp lý để phân bổ nguồn lực, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nhằm phát triển nền kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp

a) Xây dựng các mô hình ứng dụng IoT trong nông nghiệp, kết hợp với công nghệ phân tích dữ liệu lớn để phân tích, dự báo nhằm chủ động trong việc hoạch định, điều hành tất cả các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

b) Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence), Internet vạn vật (Internet of Things) để tăng cường năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo, ứng phó dịch bệnh, nhất là kiểm soát, khống chế các dịch bệnh.

c) Ứng dụng Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) để kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo vệ thương hiệu nông sản.

d) Ứng dụng Công nghệ tổng hợp nhiên liệu sinh học tiên tiến (Advanced Biofuels) cho các nông hộ, hợp tác xã. Tận dụng các nguyên liệu thô như phế phẩm và phế thải nông nghiệp (rơm, xác ngô, bã mía, sinh khối làm từ gỗ,...) cây phi lương thực (cỏ, tảo) hoặc chất thải/bả thải công nghiệp tạo ra nguồn nhiên liệu sinh học tiên tiến phục vụ cho sinh hoạt gia đình và sản xuất.

đ) Thực hiện xây dựng mô hình Quản lý sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị; nâng cấp việc truy xuất, xác thực nguồn gốc hàng hóa, quản lý chuồi giá trị sản phẩm từ quá trình sản xuất tới chế biến, đóng gói, vận chuyển và đưa ra thị trường.

e) Ứng dụng công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới (Next-generation sequencing technologies) trong di truyền, chọn giống và quản lý dịch bệnh thủy sản, giải mã trình tự bộ gen thực vật và công tác chọn giống.

g) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

2. Ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng

a) Nâng cấp các ứng dụng công nghệ (IoT, bigdata, AI, điện toán đám mây, chuỗi khối...) và bước đầu triển khai ứng dụng các nhóm công nghệ mới (quang điện, công nghệ ánh sáng và quang tử, lưu trữ năng lượng tiên tiến, lưu trữ cacbon, năng lượng vi mô, chế tạo vật liệu chức năng, chế tạo vật liệu nano...) phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp của thành phố, nhất là cơ khí chế tạo, điện tử và sản xuất vật liệu mới...

b) Phổ biến, triển khai các ứng dụng công nghệ sau:

- Công nghệ Enzyme (Enzyme technologies) phục vụ phát triển công nghiệp thực phẩm.

[...]