Kế hoạch 210/KH-UBND năm 2019 về ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phục vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020-2025

Số hiệu 210/KH-UBND
Ngày ban hành 11/10/2019
Ngày có hiệu lực 11/10/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đức Quyền
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 210/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 11 tháng 10 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÁC CÔNG NGHỆ MỚI CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2020 - 2025.

Xác định được tầm quan trọng của việc tiếp cận và làm chủ các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là cơ hội để tiếp tục tạo bước phát triển mang tính đột phá kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa; trên cơ sở báo cáo và đề xuất tại Tờ trình số 969/TTr-SKHCN ngày 06/9/2019 của Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020 - 2025, như sau:

I. MỤC TIÊU

1.1. Mục tiêu chung

Lựa chọn và ứng dụng thành công một số công nghệ mới của CMCN 4.0 phù hợp với điều kiện, lợi thế của tỉnh Thanh Hóa, nhằm thúc đẩy phát triển 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh là: công nghiệp chế biến - chế tạo; du lịch; nông nghiệp; y tế; đô thị hóa và cơ sở hạ tầng. Từng bước tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thí điểm đổi mới một số mô hình quản trị, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ chốt theo hướng phát triển kinh tế số và sản xuất thông minh.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Lựa chọn được một số công nghệ mới của CMCN 4.0 (thuộc Danh mục các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 ban hành kèm theo Quyết định số 3685/QĐ- BKHCN ngày 03/12/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ) như: Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), Chuỗi khối (Blockchain), Phân tích dữ liệu lớn (Big data analytic), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), Robot, Điện toán đám mây (Cloud computing)…để ứng dụng cho từng dự án cụ thể ở từng lĩnh vực sản xuất- kinh doanh và dịch vụ.

- Ứng dụng thành công các công nghệ mới của CMCN 4.0 vào một số dự án thuộc diện ưu tiên, có tính khả thi (lựa chọn các dự án đã được phê duyệt trong Báo cáo rà soát, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2045; Đề án Phát triển một số sản phẩm công nghệ thông tin mũi nhọn của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030 tại Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 26/4/2018).. nhằm định hướng phát triển kinh tế số và sản xuất thông minh thúc đẩy phát triển các trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Cụ thể:

+ Lĩnh vực chế biến - chế tạo: ứng dụng một số công nghệ mới của CMCN 4.0 phù hợp với qui trình công nghệ sản xuất, quản lý, giám sát và điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của 03 dự án triển khai trong giai đoạn 2020-2025, gồm: Dự án đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện, điện tử và thiết bị phụ tùng; Dự án đầu tư nhà máy sản xuất dây cáp điện ô tô; Dự án đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm công nghệ cao (thức ăn, rau, củ, quả).

+ Lĩnh vực du lịch: ứng dụng một số công nghệ mới của CMCN 4.0 trong việc xây dựng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch, hướng dẫn du khách và quảng bá hình ảnh các điểm du lịch của Thanh Hóa.

+ Lĩnh vực nông nghiệp: ứng dụng một số công nghệ mới của CMCN 4.0 trong việc nhân giống; quản lý, điều khiển các điều kiện môi trường sống; quản lý và phòng trừ sâu bệnh, dịch hại; quản lý sản phẩm theo chuỗi giá trị; truy xuất nguồn gốc và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của Thanh Hóa.

+ Lĩnh vực y tế: ứng dụng một số công nghệ mới của CMCN 4.0 trong việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh và quản trị y tế.

+ Lĩnh vực đô thị hóa và cơ sở hạ tầng: ứng dụng một số công nghệ mới của CMCN 4.0 trong việc quản lý mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông địa phương; tiếp tục triển khai khu công nghệ thông tin tập trung, hệ thống chính quyền điện tử và dịch vụ thành phố thông minh.

- Triển khai có hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch công nghệ, tạo lập môi trường thuận lợi để hỗ trợ kết nối, thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng các công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

2.1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân về CMCN 4.0

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo tập huấn phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân về CMCN 4.0. Cụ thể:

- Xây dựng các phóng sự, chuyên mục, chuyên đề về hoạt động ứng dụng các công nghệ 4.0 phục vụ công tác quản lý của các cấp, các ngành và hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền trên Đài Phát thanh và truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa. Triển khai chương trình truyền thông về ứng dụng các công nghệ mới của CMCN 4.0 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.

- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về ứng dụng cuộc cách mạng số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp, lồng ghép trong kế hoạch đào tạo tập huấn về CMCN 4.0 do sở Công thương chủ trì phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan thực hiện. Quy mô: Mỗi năm 03 lớp, đào tạo cho ít nhất 100 người/lớp, bắt đầu từ năm 2020.

- Khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo lồng ghép các ứng dụng số của CMCN 4.0 vào chương trình giảng dạy, khuyến khích sinh viên nghiên cứu ứng dụng, tạo ra công nghệ mới và khởi nghiệp bằng công nghệ của CMCN 4.0. Kết nối các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức các khóa bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số và CMCN 4.0 cho các giảng viên, các chủ doanh nghiệp.

2.2. Ứng dụng một số công nghệ mới của CMCN 4.0 trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và dịch vụ

a) Lĩnh vực chế biến - chế tạo: hoàn thành và đưa vào hoạt động 03 dự án đầu tư nhà máy ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 gồm:

- Nhà máy sản xuất linh kiện điện, điện tử, điện thoại di động và các sản phẩm linh kiện điện, điện tử, thiết bị y tế tại khu công nghệ cao Lam Sơn - Thọ Xuân, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Nhà máy sản xuất dây cáp điện ô tô, phát triển lĩnh vực sản xuất các linh kiện, phụ tùng chuyên dụng cho một số dòng xe ô tô phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm công nghệ cao tại hành lang Lam Sơn

- Nghi Sơn để tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm quy mô lớn, phục vụ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh.

[...]