Kế hoạch 2655/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống thiên tai tỉnh Hải Dương đến năm 2025

Số hiệu 2655/KH-UBND
Ngày ban hành 13/09/2022
Ngày có hiệu lực 13/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Trần Văn Quân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2655/KH-UBND

Hải Dương, ngày 13 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2025

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2020;

- Luật Đê điều ngày 29/11/2006; Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017; Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019;

- Luật Xây dựng ngày 18/6/2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020;

- Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;

- Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

- Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

- Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 01/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai;

- Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

- Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai Quốc gia đến năm 2025;

- Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai;

- Quyết định số 379/CT-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”;

- Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 07/6/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, QUAN ĐIỂM, PHƯƠNG CHÂM CHỈ ĐẠO

1. Mục đích, yêu cầu

1.1. Mục đích

- Xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác phòng, chống thiên tai cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 nhằm triển khai Kế hoạch phòng, chống thiên tai Quốc gia đến năm 2025 và Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hải Dương; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Công tác phòng, chống thiên tai phải được tiến hành chủ động, thường xuyên, đồng thời ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

- Dựa trên cơ sở Kế hoạch phòng, chống thiên tai này, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh chủ động xây dựng, rà soát, tổ chức thực hiện sát với tình hình thực tế nhằm xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.

1.2. Yêu cầu

- Hoàn thiện hệ thống các văn bản, cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai.

- Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của Pháp luật. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, nhất là một số loại hình thiên tai chủ yếu thường xảy ra trong thời gian gần đây và có khả năng xảy ra trong thời gian tới như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt, sạt lở bờ sông, hạn hán, xâm nhập mặn... nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành.

- Luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), và nguyên tắc “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục, cung cấp kiến thức về phòng, chống thiên tai và tác động của thiên tai đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong tỉnh; thực hiện cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

[...]