Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 342/QĐ-TTg năm 2022 về Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 342/QĐ-TTg
Ngày ban hành 15/03/2022
Ngày có hiệu lực 15/03/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Văn Thành
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 342/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 27 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia đến năm 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai;
- Ủy ban QG ứng phó, sự cố, thiên tai và TKCN;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: NC, CN, KTTH;
- Lưu: VT, NN (3) Tuynh.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Văn Thành

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

1. Đặc điểm tự nhiên

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, gió mùa, trải dài trên 15 độ vĩ Bắc; diện tích đất liền khoảng 329.241 km2; có hệ thống sông suối khá dày đặc (khoảng 2.360 sông suối có chiều dài từ 10 km trở lên), các hệ thống sông lớn đều thuộc sông liên quốc gia với phần lớn lưu vực nằm trên lãnh thổ nước khác; chế độ dòng chảy được phân thành hai mùa rõ rệt (mùa lũ và mùa kiệt); bờ biển dài trên 3.260 km, chia cắt bởi 114 cửa sông đổ ra biển. Với địa hình đa dạng, cùng những đặc điểm về khí hậu, ngoài những thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, nước ta thường xuyên chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt là bão, nước biển dâng, gió mạnh trên biển, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển,...

2. Đặc điểm kinh tế - xã hội

Giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao (GDP bình quân khoảng 6%; riêng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91%). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD...

Theo thống kê năm 2019, Việt Nam có 96,48 triệu người, phân bố dân cư không đều giữa miền núi và đồng bằng, tỷ trọng dân số sống ở khu vực thành thị tiếp tục xu hướng tăng, khu vực nông thôn giảm dần. Sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh đã gây sức ép nặng nề, làm suy thoái tài nguyên và môi trường (tình trạng lấn chiếm dòng chảy, chiếm dụng khu vực cửa sông, ven biển, ven suối; khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi; chặt phá rừng, đốt rừng, gia tăng rác thải). Đây là những tác nhân tăng nguy cơ xuất hiện các loại hình thiên tai.

3. Tình hình thiên tai

Thiên tai ngày càng khốc liệt (đã xuất hiện 1.799 trận thiên tai trong giai đoạn 2016 - 2020, với 20/21 loại thiên tai cơ bản), bao gồm bão mạnh, siêu bão, mưa đặc biệt lớn, mưa đá, ngập lụt diện rộng, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, rét đậm, rét hại, hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn, dông, lốc, sét, trong đó:

- Bão xuất hiện nhiều, cường độ mạnh, diễn biến phức tạp (2016-2020 có 66 cơn bão, áp thấp nhiệt đới), năm 2017 đạt kỷ lục 16 cơn bão và 06 áp thấp nhiệt đới, năm 2020 có 13 cơn bão đổ bộ vào biển Đông (xuất hiện bão chồng bão với 5 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung).

- Mưa lớn xảy ra thường xuyên gây lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; tại miền Trung, tổng lượng mưa 5 ngày tháng 10 năm 2020 đạt mức lịch sử trên 3.000 mm gây ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề. Lũ lịch sử liên tiếp xuất hiện tại các vùng, miền, một số nơi đạt mức lịch sử hoặc tương đương mức lịch sử gây ngập lụt trên diện rộng và kéo dài. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra thường xuyên tại các tỉnh miền núi gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhất là ờ miền núi phía Bắc và miền Trung.

- Sạt lở bờ sông, bờ biển gia tăng, uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long, làm mất đi khoảng 300 ha đất mỗi năm.

- Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, đặc biệt là đợt hạn mặn lịch sử từ cuối năm 2015, đầu năm 2016 và đầu năm 2020 tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

- Ngoài ra, nắng nóng gay gắt, rét đậm, rét hại, dông, lốc, sét và mưa đá cũng xảy ra thường xuyên.

[...]