Kế hoạch 9239/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống thiên tai tỉnh Lâm Đồng năm 2023

Số hiệu 9239/KH-UBND
Ngày ban hành 01/12/2022
Ngày có hiệu lực 01/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phạm S
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9239/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 01 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2023

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2020;

Căn cứ Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 07/6/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương;

Căn cứ Quyết định số 01/QĐ-TWPCTT ngày 08/02/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ban hành Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và kế hoạch thực hiện giai đoạn từ năm 2021- 2025;

Căn cứ Quyết định số 09/QĐ-QGPCTT ngày 15/11/2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai điều chỉnh, bổ sung Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh;

Căn cứ Kế hoạch số 134-KH/TU ngày 07/7/2020 của Tỉnh ủy Lâm Đồng thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai (PCTT) tỉnh Lâm Đồng năm 2023 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; đồng thời khắc phục khẩn trương, có hiệu quả sau thiên tai.

b) Tăng cường quản lý nhà nước về PCTT, nâng cao năng lực, tính chủ động của cộng đồng trong PCTT, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác PCTT.

c) Quán triệt, tuyên truyền sâu rộng công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Yêu cầu:

a) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

b) Nâng cao năng lực PCTT, xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai của các cấp, các ngành, lực lượng PCTT từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng theo phương châm “4 tại chỗ”[1] và “3 sẵn sàng”[2] để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

c) Tổ chức thu quỹ PCTT năm 2023 đạt từ 70-100%, sử dụng có hiệu quả cho công tác PCTT; tổ chức thực hiện đầy đủ các mục đích, nội dung của kế hoạch thuộc phạm vi quản lý; bố trí, huy động các nguồn lực để thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ PCTT gắn với phát triển kinh tế - xã hội; từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu, công tác quan trắc, dự báo, thông tin, thông báo, cảnh báo thiên tai và trang thiết bị về PCTT, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên địa bàn.

d) Đạt được tối thiểu 80 điểm (xếp hạng hoàn thành tốt) theo Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh và được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ theo Quyết định số 09/QĐ-QGPCTT ngày 15/11/2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT (sau đây gọi tắt là Bộ Chỉ số PCTT).

II. NỘI DUNG

1. Khái quát các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh:

Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên nên bão, áp thấp nhiệt đới hầu như ít đổ bộ trực tiếp trên địa bàn tỉnh nhưng có ảnh hưởng gián tiếp và cùng với gió mùa Tây Nam gây ra một số loại hình thiên tai chủ yếu, như: Mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lốc xoáy (xảy ra trên toàn tỉnh); lũ quét (thường xảy ra ở địa phương: Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lạc Dương, Bảo Lộc); mưa đá, sét (khu vực giữa và phía Bắc của tỉnh); sương muối (khu vực phía Bắc của tỉnh); sương mù (các đường đèo, quốc lộ 20); hạn hán (thường xảy ra ở địa phương: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm).

Trong năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 04/22 loại hình thiên tai (mưa lớn, mưa đá, lốc xoáy, sét đánh), trong đó có 12 trận mưa lớn, 02 trận mưa đá, 07 trận mưa lớn kèm lốc xoáy, 01 vụ sét đánh làm thiệt hại đến tài sản, tính mạng người dân, cụ thể: thiên tai đã làm 01 người chết, 07 người bị thương; thiệt hại 172 căn nhà, 441 ha cây trồng, trôi 0,8 ha ao cá, hư hỏng 6,7 ha nhà kính nhà lưới; hư hỏng 02 cầu, 01 ô tô và 02 xe gắn máy; hư hỏng 04 điểm trường... Ước tổng thiệt hại khoảng 13 tỷ đồng.

2. Các biện pháp ứng phó với một số loại hình thiên tai cụ thể: Chi tiết theo Phụ lục 1 đính kèm.

3. Nhiệm vụ và giải pháp:

a) Nâng cao năng lực Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp để đảm bảo các yêu cầu theo Bộ Chỉ số PCTT trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (Chi tiết theo Phụ lục 2 đính kèm).

b) Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Phòng chống thiên tai, các văn bản hướng dẫn; các loại hình thiên tai thường xảy ra và phương pháp phòng chống để người dân hiểu đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật, nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, hình thành ý thức chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội.

c) Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

[...]