Kế hoạch 259/KH-UBND khắc phục một số tồn tại, hạn chế nhằm đảm bảo hoàn thành Kế hoạch Chuyển đổi số của Thành phố Hà Nội trong năm 2024

Số hiệu 259/KH-UBND
Ngày ban hành 29/08/2024
Ngày có hiệu lực 29/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Hà Minh Hải
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 259/KH-UBND

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ NHẰM ĐẢM BẢO HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG NĂM 2024

Với sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 (hợp nhất 03 Ban Chỉ đạo thành Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 Thành phố do đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban), Hà Nội với quy mô Thành phố hơn 10 triệu dân, số lượng đơn vị hành chính lớn (30 UBND quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn), việc triển khai chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn lớn như vậy sẽ có nhiều khó khăn hơn so với các tỉnh/thành phố khác, tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt năm 2022-2023, với sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền Thành phố và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị Thành phố, nhiều sự biến chuyển tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thành ủy, công tác tham mưu và tổ chức triển khai CĐS của các cơ quan nhà nước (CQNN) Thành phố, thể hiện rõ ở một số kết quả nổi bật, cụ thể như sau:

- Chỉ đạo về CĐS được ban hành đồng bộ từ Nghị quyết của Thành ủy, Kế hoạch tổng thể về CĐS, xây dựng thành phố thông minh. Nhiều Kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai của Thành phố về CĐS được ban hành, trong đó, ngoài Kế hoạch tổng thể về CĐS của Thành phố, có nhiều kế hoạch của các ngành, lĩnh vực được các Sở, ngành tham mưu. Công tác tổ chức triển khai được thực hiện đồng bộ, các ngành đều triển khai tích cực.

- Một số quy chế quan trọng bảo đảm hoạt động của các hệ thống thông tin (HTTT) của Thành phố được tham mưu ban hành, bao gồm quy chế đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước Thành phố.

- Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng được tích cực triển khai trên nhiều phương diện và nhiều hình thức đa dạng. Các hoạt động, sự kiện được Thành phố tổ chức triển khai được người dân, doanh nghiệp ghi nhận với quy mô, phạm vi rộng.

- Hà Nội, địa phương đầu tiên trong cả nước, đã ban hành Nghị quyết cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT): Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến (Số 07/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023); Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn Thành phố (số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024)).

- Lần đầu tiên Lãnh đạo Thành phố đã thực hiện ký số hoàn toàn trên hệ thống phần mềm dùng chung Quản lý văn bản và điều hành Thành phố; 100% các CQNN Thành phố đã triển khai ký số văn bản trên hệ thống; các đơn vị đang triển khai tích cực việc xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng (trình ký hồ sơ/văn bản trên phần mềm).

- Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố (LGSP) đã được triển khai kết nối với 7 HTTT/CSDL của Thành phố và 14 HTTT/CSDL của quốc gia và các Bộ, ngành. Các HTTT quan trọng, có tính chất nền tảng cốt lõi của Thành phố nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thành phố đến 03 cấp trực thuộc Thành phố đảm bảo theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp với các hệ thống của Trung ương được triển khai, tiếp tục duy trì, vận hành ổn định, khai thác và sử dụng có hiệu quả. Cuối tháng 6/2024, Thành phố tiếp tục đưa vào vận hành chính thức HTTT phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh - một công cụ hỗ trợ quản lý công tác tổ chức họp, hướng tới phòng họp không giấy, phòng họp thông minh.

- Đến tháng 6/2024, Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động một số HTTT, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp, trong đó, đã cung ứng một số dịch vụ đô thị thông minh như: (1) Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi) - lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, là môi trường tương tác giữa Chính quyền với người dân Thủ đô, trước mắt đã triển khai 4 nhóm tiện ích chính; (2) Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố - quản lý khám chữa bệnh, kết nối với 661 cơ sở y tế, đồng bộ dữ liệu lên hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định, sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VNeID; (3) Cấp lý lịch tư pháp trên VNeID - Công dân thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp nhanh chóng trên ứng dụng, nhận kết quả điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy và được tái sử dụng nhiều lần; (4) Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) được triển khai thử nghiệm cho vận tải hành khách công cộng. Ngoài ra, Thành phố cũng đang triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, nhằm tạo sự minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện và giảm ùn tắc ở trung tâm Thành phố.

Kết quả CĐS của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận, với chỉ số CĐS cấp tỉnh (DTI) năm 2022 (do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá năm 2023) tăng 16 bậc so với năm 2021. Nhiều hoạt động, sự kiện lớn về CĐS được tổ chức thành công trong đó có sự kiện có quy mô quốc gia như: Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023 với sự tham gia của các chuyên gia, các diễn giả đến từ nhiều nước và các tỉnh, thành phố trên cả nước. CĐS của Thành phố đã có bước biến chuyển tích cực, làm bước đệm cho việc triển khai hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về CĐS của Thành phố.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn về công tác chuyển đổi số của Thành phố bao gồm:

- Nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số tại các đơn vị còn thiếu, cấp xã chưa có quy định vị trí việc làm về CNTT, chuyển đổi số, trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao;

- Một số CSDL chuyên ngành còn chưa đảm bảo tiến độ, đặc biệt việc xây dựng CSDL đất đai.

- Một số chỉ tiêu Trung ương giao chưa được hướng dẫn; tính chủ động của của các ngành, lĩnh vực trong công tác chủ trì triển khai, hướng dẫn các chỉ tiêu Thành phố giao về chuyển đổi số còn chưa cao.

- Một số yếu tố khách quan ảnh hưởng tới kết quả triển khai một số chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan phục vụ người dân, doanh nghiệp: Trình độ dân trí, khả năng tiếp cận của người dân thực hiện các TTHC/DVCTT bằng ứng dụng CNTT còn một số hạn chế, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, các đối tượng đặc thù: người cao tuổi, người khuyết tật,....

Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2023 về việc triển khai Chuyển đổi số và các vấn đề vướng mắc nêu trên, UBND Thành phố ban hành Khắc phục một số tồn tại, hạn chế nhằm đảm bảo hoàn thành Kế hoạch Chuyển đổi số của thành phố Hà Nội trong năm 2024 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong năm 2023, nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 57/KH-UBND ngày 08/02/2024 của UBND Thành phố về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024 và văn bản liên quan về chuyển đổi số.

2. Nhận thức triệt để vai trò của các Sở, ban, ngành trong việc chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực đơn vị quản lý và vai trò chủ trì, hướng dẫn thực hiện trên các địa phương của Thành phố.

3. Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp; phân công rõ tập thể, cá nhân chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, bảo đảm thống nhất quan điểm chỉ đạo “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.

4. Kết quả triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số năm 2024 được UBND Thành phố giao là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc phục vụ công tác đánh giá, xếp loại công chức, viên chức theo quy định.

II. NỘI DUNG TẬP TRUNG KHẮC PHỤC

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành nhận thức đúng đắn vai trò chủ trì về chuyển đổi số theo lĩnh vực đơn vị quản lý đơn vị bảo đảm bám sát các chủ trương, định hướng của các Bộ, ngành chủ quản và vai trò hướng dẫn thống nhất đối với các quận, huyện, thị xã.

2. Tập trung nguồn lực tổ chức triển khai bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 08/02/2024 của UBND Thành phố.

3. Giải quyết triệt để các nhiệm vụ chậm muộn, trong đó tập trung việc hoàn thành các CSDL chuyên ngành, đặc biệt là CSDL đất đai.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC CHỦ YẾU

1. Về thể chế

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ