Kế hoạch 242/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược Phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 242/KH-UBND
Ngày ban hành 10/08/2021
Ngày có hiệu lực 10/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 242/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 10 tháng 08 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THUỶ SẢN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1960/QĐ-BNN-TCTS ngày 06/5/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu

- Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo hướng bền vững, hiệu quả, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn; đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, tăng cường xuất khẩu.

- Thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng đồng bộ; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; tăng cường chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tổ chức lại sản xuất theo kinh tế thị trường.

- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội. Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030

Chỉ tiêu đến năm 2030: phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập quốc tế, cụ thể:

a) Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2030 đạt 4%/năm. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 đạt 4,3%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 3,6%/năm.

b) Tổng sản lượng thủy sản sản xuất:

- Đến năm 2025 đạt 681.208 tấn. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản 661.900 tấn, sản lượng khai thác thủy sản 19.308 tấn.

- Đến năm 2030 đạt 819.150 tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng 802.150 tấn, sản lượng thủy sản khai thác 17.000 tấn.

c) Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,1 - 1,2 tỷ USD.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; hướng đến nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản trên địa bàn Tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn; nâng cao năng lực cán bộ quản lý Nhà nước chuyên ngành thủy sản tại địa phương.

2. Kịp thời tổ chức triển khai, xây dựng Kế hoạch các Chương trình quốc gia, đề án được phát triển ngành thủy sản do Trung ương ban hành (Phụ lục).

3. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước; đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn lực các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ phù hợp, quy hoạch chung của Tỉnh.

4. Lựa chọn dự án đầu tư trọng điểm phát triển ngành thủy sản phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.

5. Tổ chức sản xuất thủy sản

5.1. Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

- Tập trung điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống các loài thủy sản làm cơ sở bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản.

- Quan tâm, tổ chức, quản lý, bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản con non sinh sống và đường di cư của loài thủy sản. Phát triển bảo tồn gắn với du lịch sinh thái và nông thôn mới.

- Thực hiện thả bổ sung các giống loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học; loài thủy sản bản địa; loài thủy sản đặc hữu vào vùng nước tự nhiên. Hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

- Bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực nước tự nhiên. Hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản được coi trọng, thực hiện thường xuyên và được xã hội hóa sâu rộng.

[...]