ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2377/QĐ-UBND
|
Bình Phước, ngày 14 tháng 9 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/06/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày
21/11/2017;
Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 10/12/2018;
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP
ngày 27/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP
ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật Thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP
ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thủy
lợi;
Căn cứ Quyết định số 541/QĐ-TTg
ngày 20/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Bảo vệ
và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ
Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê
duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm
2045;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 182/TTr-SNN ngày
31/8/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành theo Quyết định này “Chương trình Phát
triển thủy sản giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh”
(sau đây gọi tắt là Chương trình).
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp
các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Chương
trình này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở,
ngành: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu
tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường,
thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chính phủ (b/c);
- Bộ NN&PTNT;
- Cục Thú y;
- CT. PCT:
- LĐVP, Phòng KT;
- Lưu: VT (27- NN07/9).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Huỳnh Anh Minh
|
CHƯƠNG TRÌNH
PHÁT TRIỂN THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, TẦM
NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành Kèm theo Quyết định số: 2377/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Chủ tịch
UBND tỉnh)
I. Quan điểm phát
triển, mục tiêu
1. Quan điểm
phát triển
- Đầu tư phát triển, bảo vệ nguồn lợi
thủy sản phù hợp với tiềm năng mặt nước của tỉnh, kết hợp nuôi trồng thủy sản với
khai thác hợp lý, bền vững, góp phần bảo tồn, duy trì nguồn lợi thủy sản, an
sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn hồ đập.
- Phát triển nuôi thủy sản tận dụng
nguồn nước hạ lưu các hồ thủy điện, thủy lợi, đa dạng cây trồng, vật nuôi, thủy
sản; bảo tồn nguồn gen, các loài thủy sản quý hiếm; tận dụng ao hồ nuôi các
loài thủy sản truyền thống, tạo sản phẩm thủy sản tại chỗ, tăng thu nhập, góp
phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.
2. Mục tiêu
Bảo vệ, duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản hồ chứa bền vững; khai thác, phát triển nuôi trồng thủy sản ao, hồ; hình thành các chuỗi khai
thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản nước ngọt, đáp ứng nhu cầu thủy sản cho
tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, cụ thể:
- Mục tiêu giai đoạn 2021-2025:
+ Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản
bình quân hàng năm tăng 1-2 %;
+ Sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt
4.900 tấn, trong đó:
Sản lượng nuôi trồng đến năm 2025 đạt
4.500 tấn (nuôi lồng bè khoảng 500 tấn)
Sản lượng khai thác thủy sản đến năm
2025 đạt 400 tấn.
+ Diện tích nuôi thủy sản đến năm
2025 đạt 1.650 ha.
+ Nuôi thủy sản lồng bè đến năm 2025
đạt 220 lồng nuôi.
- Mục tiêu giai đoạn 2026 -2030:
+ Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản
bình quân hàng năm tăng 1-2 %.
+ Sản lượng thủy sản đến năm 2030 đạt
5.200 tấn, trong đó:
Sản lượng nuôi trồng đến năm 2030 đạt
4.750 tấn (nuôi lồng bè khoảng 530 tấn)
Sản lượng khai thác thủy sản đến năm
2030 đạt 450 tấn
+ Diện tích nuôi thủy sản đến năm
2030 đạt 1.750 ha
+ Nuôi thủy sản lồng bè đến năm 2030
đạt 220 lồng nuôi.
II. Nội dung
1. Giai đoạn
2021-2025
1.1. Về
công tác quản lý và phát triển nuôi trồng thủy sản
1.1.1. Công tác quản lý nuôi trồng
thủy sản
a) Kiểm tra điều kiện sản xuất và
kinh doanh giống thủy sản
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 cơ
sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản, trong đó, có 01 Trại Giống cây trồng,
vật nuôi (trực thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh), 15 cơ sở kinh doanh
giống thủy sản, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 6 triệu con giống các loại. Do vậy, để các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản
cung cấp chất lượng giống đảm bảo cho người nuôi, hàng năm thực hiện kiểm tra
điều kiện sản xuất và kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.
b) Kiểm tra điều kiện nuôi thủy sản
lồng bè theo quy định Luật Thủy sản
Hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 70
hộ nuôi lồng bè trên các hồ chứa với tổng số lồng nuôi khoảng
150 lồng. Do vậy, hàng năm sẽ thực hiện kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng vệ
sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở nuôi lồng, bè tại các hồ chứa đúng quy định
và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản an toàn theo hướng VietGap, từ đó hạn
chế dịch bệnh trong quá trình nuôi.
c) Tập huấn kỹ thuật nuôi và
phòng, chống dịch bệnh thủy sản
Để người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh
nắm bắt kỹ thuật nuôi các loài thủy sản nước ngọt và công tác phòng, chống dịch
bệnh trong quá trình nuôi, hàng năm sẽ tổ chức các lớp tập huấn về thủy sản tại
một số huyện, thị xã, thành phố có hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển.
1.1.2. Công tác phát triển nuôi trồng
thủy sản
a) Công tác phát triển nuôi lồng
bè trên hồ chứa lớn
Hiện tại, nuôi lồng bè đang được phát
triển trên hồ Thác Mơ, Cần Đơn, với khoảng 50 hộ đang nuôi
trồng thủy sản theo hình thức nuôi lồng bè, đối tượng nuôi là cá lăng, lóc, rô
phi với khoảng hơn 120 lồng. Hoạt động nuôi lồng bè là ngành nghề chủ yếu của
người nuôi với năng suất, hiệu quả nuôi còn hạn chế. Do vậy, nhằm hỗ trợ phát
triển hình thức nuôi lồng bè trên hồ Thác Mơ, Cần Đơn,
nâng cao hiệu quả kinh tế của người nuôi, cần thực hiện:
- Điều tra khảo sát kỹ tình hình nuôi
lồng bè trên hồ Thác Mơ, Cần Đơn, điều kiện kinh tế của
người nuôi... từ kết quả điều tra xây dựng định hướng phát triển loại hình nuôi
lồng bè hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên của hồ chứa và điều kiện kinh
tế của người nuôi.
- Hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện xây dựng
một số mô hình nuôi cá Lăng nha, cá Rô phi trên lồng bè tại các khu vực nuôi lồng
trên hồ Thác Mơ, Cần Đơn nhằm nâng cao năng suất sản lượng
từ hoạt động nuôi lồng bè.
- Xây dựng quy trình phòng, chống dịch
bệnh động vật thủy sản trên lồng bè.
- Tập huấn kỹ thuật nuôi một số đối
tượng có giá trị kinh tế trong hồ chứa và hướng dẫn áp dụng biện pháp phòng, trị
bệnh trong quá trình nuôi.
- Đánh giá hiệu quả thực hiện của các
mô hình về năng suất và sản lượng từ đó, có định hướng nhân rộng mô hình nuôi
cá Lăng, cá Rô phi trên các hộ nuôi lồng khác tại hồ Thác Mơ, Cần Đơn.
b) Công tác phát triển nuôi các đối
tượng có giá trị kinh tế đối với các hình thức nuôi ao, bể và các hình thức
nuôi khác (lót bạt, quây lưới....)
- Thực hiện điều tra khảo sát các loại
hình nuôi ao theo hình thức nuôi bán thâm canh, thâm canh với các đối tượng
nuôi có giá trị kinh tế (cá lăng, lóc, rô phi, lươn, ếch, ba ba...) trên địa
bàn tỉnh. Từ đó, đánh giá và hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác, hợp
tác xã nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế hoạt động nuôi trồng
thủy sản.
- Căn cứ vào số liệu điều tra nói
trên, thực hiện xây dựng các mô hình nuôi nâng cao năng suất, sản lượng các loại
thủy sản có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện môi trường tại địa phương và
nhu cầu của người dân trong tỉnh. Sau đó, thực hiện đánh giá và nhân rộng mô
hình sang các địa phương khác.
c) Công tác phát triển nuôi cá mặt nước
lớn trên hồ chứa
- Xây dựng mô hình nuôi cá mặt nước lớn
trên hồ chứa vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.
- Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ
thuật về nuôi cá mặt nước lớn.
- Xây dựng phương án thu hoạch cá
trên các hồ chứa vừa và nhỏ.
- Tham quan học tập kinh nghiệm nuôi
cá hồ chứa tại các tỉnh lân cận.
- Lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình
nuôi cá mặt nước lớn kết hợp với du lịch sinh thái, ẩm thực.
d) Bổ sung và cải tạo đàn cá bố mẹ,
nâng cao chất lượng con giống
- Đánh giá thực trạng sinh sản của
các loài cá bố mẹ qua nhiều năm sản xuất (cá Lăng nha, Rô phi dòng GIFT, cá
chép).
- Bổ sung con giống bố mẹ các loài bản
địa cần được bảo tồn như: chạch lấu, lăng vàng..., đồng thời, đẩy mạnh sản xuất,
cung cấp con giống ra thị trường.
- Thử nghiệm nhập và sản xuất cá chép
Koi để phục vụ cho nhu cầu giải trí trên địa bàn tỉnh, trong nước và xuất khẩu;
thử nghiệm sản xuất một số đối tượng có giá trị kinh tế để tăng hiệu quả sản xuất
tại Trại giống cây trồng, vật nuôi.
e) Hình
thành chuỗi liên kết đầu ra cho sản phẩm nuôi thủy sản lồng bè, nuôi cá mặt nước
lớn trên hồ chứa, nuôi ao
Hiện nay, mô hình liên kết chuỗi từ
khâu sản xuất đến tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang phát triển mạnh, đem lại
hiệu quả kinh tế rất lớn cho người
dân. Do vậy, để hướng tới xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ khâu sản xuất giống
đến khâu tiêu thụ đối với các loài cá có giá trị kinh tế, góp phần phát triển
kinh tế tỉnh nhà và ổn định kinh tế cho người dân, việc
hình thành các chuỗi liên kết đầu ra cho sản phẩm nuôi trồng thủy sản là rất cần
thiết.
- Điều tra khảo sát tình hình nuôi,
nhu cầu và tiêu thụ cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh (các cơ sở thu mua cá thương
phẩm, Bách hóa xanh....).
- Hình thành các vùng cung cấp cá
thương phẩm tại hồ Thác Mơ, Cần Đơn và một số hồ chứa có
nuôi cá mặt nước lớn; các tổ hợp tác nuôi cá lăng nha, rô phi, cá truyền thống...
- Hỗ trợ xây dựng liên kết giữa người
nuôi và các nhà thu mua thủy sản thương phẩm trên địa bàn tỉnh.
1.2. Về
công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
1.2.1. Công tác quản lý khai thác
và bảo vệ nguồn lợi thủy sản
a) Tuyên truyền nâng cao nhận thức
cộng đồng về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Mô hình đồng quản lý: Phát triển mô
hình đồng quản lý trên các hồ chứa và duy trì hiệu quả hoạt động của những tổ
đã thành lập.
- Công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn
lợi thủy sản: Nhằm tác động mạnh đến ý thức của người dân về nguồn lợi thủy sản
và cùng chung tay bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản, giúp nguồn lợi thủy sản
trong tự nhiên phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục thực
hiện một số nội dung chính:
+ Tuyên truyền các văn bản pháp quy về
công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng các pa nô, áp phích, tờ rơi, ...
+ Tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền
các văn bản luật liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cán bộ và người
dân địa phương trên địa bàn tỉnh.
+ Xây dựng chương trình truyền thông,
phát thanh truyền hình, phóng sự và tuyên truyền lưu động trên hồ chứa về bảo vệ
và phát triển nguồn lợi thủy sản.
b) Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát
và xử lý vi phạm
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm
soát và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là đối
với các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt như chất nổ, xung điện, hóa chất
độc, các hoạt động khai thác đối với các loài thủy sản khai thác có thời hạn
trong năm và các quy định khác.
- Kiểm tra thủ tục hành chính và các
trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá theo quy định pháp luật trong quá
trình hoạt động khai thác thủy sản.
c) Xây dựng khu bảo tồn vùng nước
nội địa trên hồ Thác Mơ và điều tra xác định khu vực
bãi đẻ, khu vực được phép nuôi trồng và khai thác thủy sản, khu vực cấm khai
thác thủy sản trên các hồ chứa
Tiến hành điều tra xác định khu vực
bãi đẻ của cá tại một số hồ chứa, xác định được các khu vực cấm khai thác và khu
vực cấm khai thác có thời hạn trong năm nhằm xây dựng biện pháp bảo vệ khu vực
bãi đẻ đạt hiệu quả, tránh tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy
sản trên các hồ chứa dẫn đến tuyệt chủng một số loài thủy
sản, làm mất cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học cũng như giá trị kinh tế thủy
sản trên hồ.
1.2.2. Công tác phát triển nguồn lợi
thủy sản
a) Tái tạo, bổ sung giống thủy sản
vào thủy vực tự nhiên (hồ chứa)
Hàng năm, thả bổ sung các loại cá giống
cho các sông, hồ chứa lớn nhằm tăng nguồn lợi thủy sản đang ngày càng suy giảm,
đồng thời bảo toàn các giống loài thủy sản tự nhiên trên
các thủy vực, từng bước lập lại cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật thủy
sinh trong các thủy vực và nâng cao sản lượng khai thác tự nhiên, giải quyết việc
làm, tăng thu nhập cho ngư dân, giảm tệ nạn xã hội cho cộng đồng.
b) Hỗ trợ khai thác thủy sản hợp
lý và xây dựng mô hình liên kết đồng quản lý trên hồ chứa Thác Mơ, Cần Đơn, Phước Hòa và hồ Shok- Phu - Miêng
Việc chuyển đổi nghề khai thác mang
tính hủy diệt, tận thu sang nghề khai thác thủy sản có tính chọn lọc sẽ là giải
pháp tối ưu để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, xây dựng mô hình liên kết
giữa các tổ nhằm tăng thêm sức mạnh quản lý của cộng đồng trong việc bảo vệ và
phát triển nguồn lợi thủy sản.
c) Phát triển mô hình đồng quản lý trên các hồ chứa nhỏ và duy trì hiệu quả hoạt động của những
tổ đã thành lập
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 16 mô
hình đồng quản lý nghề cá (Tổ nghề cá cộng đồng quản lý khai thác nguồn lợi thủy
sản, gọi tắt là Tổ nghề cá cộng đồng) với khoảng 1.000 lao động có các hoạt động
về nuôi và khai thác thủy sản trên các hồ chứa. Hoạt động
bước đầu đã đạt được một số hiệu quả đáng khích lệ, nhất là tại các hồ chứa nhỏ.
Riêng tại hồ chứa lớn do diện tích rộng, chưa có lực lượng kiểm soát nguồn lợi
hiệu quả, chưa phát triển đồng đều các mô hình tại các địa phương, người dân
chưa tiếp cận được các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ý thức
pháp luật về thủy sản chưa cao. Do đó, trong thời gian tới, để phát triển thủy
sản, tăng thu nhập cho người dân, cần chú trọng phát triển các mô hình này.
- Hỗ trợ các Tổ nghề cá đã thành lập
trước năm 2019 hoàn thiện hồ sơ và quy chế Tổ nghề cá theo Luật Thủy sản, duy
trì và phát triển 16 Tổ nghề cá cộng đồng.
- Tập huấn nâng cao
năng lực quản lý nghề cá, công tác điều hành hoạt động (tổ chức các buổi sinh hoạt, hội họp...) cho thành viên và Ban chủ nhiệm của 16 Tổ nghề
cá.
- Hỗ trợ cấp Thẻ thành viên nhằm kiểm
soát chặt chẽ người khai thác trong Tổ, ngăn chặn các hành vi khai thác sai quy
định.
- Hỗ trợ ngư cụ khai thác thủy sản hợp pháp trên các hồ chứa: Hiện nay vẫn còn nhiều người dân đang sử dụng
các ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt các loài thủy sản như xung điện, đăng
chắc, lưới bát quái ... Tuy nhiên, do thu nhập thấp nên
không đủ kinh phí để thay đổi ngư cụ
khai thác. Cần tác động đến ý thức khai thác của người dân
và hỗ trợ một phần kinh phí mua ngư cụ khai thác hợp pháp
để người dân dần thay đổi cách khai thác, đánh bắt mang tính hủy diệt trên các
lưu vực.
d) Điều tra, khảo sát, đánh giá hiện
trạng nguồn lợi thủy sản
- Công tác khảo sát, đánh giá NLTS:
Hàng năm phối hợp với các địa phương tổ chức 01 đợt khảo sát, đánh giá NLTS tại
các hồ chứa lớn và một số công trình thủy lợi vừa và nhỏ có hoạt động khai thác
thủy sản.
- Điều tra, khảo sát nghề khai thác:
mỗi năm tổ chức một lần điều tra, thống kê về lược lượng tham gia khai thác,
ngư cụ, đối tượng, sản lượng,...
- Hàng năm, phối hợp với địa phương
và các Sở, ban ngành có liên quan tổ chức các đợt kiểm tra các hoạt động khai
thác theo quy định. Tập trung kiểm tra những nơi có nhiều người tham gia khai
thác, có sự phản ánh của người dân đối với các hình thức khai thác trái quy định
và mang tính hủy diệt.
e) Hỗ trợ phát triển nghề chế biến
của người dân làng bè theo đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm
Hiện nay, tại một số làng bè đã và
đang có hoạt động chế biến các sản phẩm thủy sản được nuôi và đánh bắt tại các
lòng hồ thủy điện, thủy lợi. Qua đánh giá sơ bộ, các sản phẩm này được ưa chuộng
và mang lại thu nhập khá tốt, giải quyết sản phẩm đầu ra cho làng bè. Các sản
phẩm chế biến hiện có là khô cá lăng, cá lóc, cá lìm kìm, cá trèn...; đặc biệt
là khô cá lìm kìm; chả cá thát lát, chả cá mè vinh, chả cá tạp..., nước mắm tự ủ,
và một số sản phẩm khác liên quan. Tuy nhiên, việc chế biến
theo kinh nghiệm, không theo quy trình công nghệ, không được chứng nhận vệ sinh
an toàn thực phẩm. Do vậy, trong thời gian tới thực hiện hỗ trợ người dân làng
bè tạo nên thương hiệu cho sản phẩm là chả cá và cá khô các
loại đảm bảo quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; góp phần tạo công
ăn, việc làm, thu nhập cho người dân làng bè.
2. Giai đoạn
2026-2030
2.1. Về
công tác quản lý và phát triển nuôi trồng thủy sản
- Tiếp tục thực hiện công tác quản lý
nuôi trồng thủy sản bao gồm kiểm tra điều kiện sản xuất và kinh doanh giống thủy
sản, kiểm tra điều kiện nuôi thủy sản lồng bè, tập huấn....
- Tiếp tục thực hiện công tác phát
triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa lớn (bao gồm các hình thức nuôi lông bè,
nuôi cá mặt nước lớn...)
- Tiếp tục thực hiện công tác phát
triển nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế đối với các hình thức nuôi ao, bể,
lót bạt, quây lưới...
- Tiếp tục thực hiện bổ sung và cải tạo
đàn cá bố mẹ, nâng cao chất lượng con giống và hướng tới sản
xuất thêm một số loài thủy sản có giá trị kinh tế.
- Tiếp tục thực hiện xây dựng các chuỗi
liên kết đầu ra cho sản phẩm nuôi thủy sản lồng bè, nuôi cá mặt nước lớn trên hồ
chứa, nuôi ao.
2.2. Về
công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản
lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, công tác điều tra, đánh giá tổng thể
nguồn lợi thủy sản và môi trường sông của các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh
làm cơ sở bảo vệ, tái tạo và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản
- Tiếp tục thực hiện công tác tái tạo,
bổ sung giống thủy sản vào thủy vực tự nhiên (hồ chứa) và xây dựng mô hình liên kết đông quản lý trên hồ chứa Thác Mơ, Cần
Đơn, Phước Hòa và Shok- Phu - Miêng.
- Thực hiện hỗ trợ ngư cụ khai thác
theo quy định.
- Tiếp tục thực hiện hỗ trợ phát triển
nghề chế biến của người dân làng bè theo đúng quy định về vệ sinh an toàn thực
phẩm.
III. Nguồn kinh
phí
1. Giai đoạn
2021-2025
- Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 12.400.000.000 đồng (Mười hai tỷ, bốn trăm triệu đồng), trong đó:
+ Nguồn ngân sách nhà nước khoảng
5.700.000.000 đồng (Năm tỷ, bảy trăm triệu đồng).
+ Nguồn xã hội hóa huy động từ người
dân và nguồn hợp pháp khác khoảng 6.700.000.000 đồng (Sáu
tỷ, bảy trăm triệu đồng).
2. Giai đoạn
2026-2030
- Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn
2026 -2030 dự kiến khoảng 15.400.000.000 đồng (Mười lăm tỷ, bốn trăm triệu đồng),
trong đó:
+ Nguồn ngân sách nhà nước khoảng
7.000.000.000 đồng (Bảy tỷ đồng).
+ Nguồn xã hội hóa huy động từ người
dân và nguồn hợp pháp khác khoảng 8.400.000.000 đồng (Tám tỷ, bốn trăm triệu đồng).
IV. Tổ chức thực
hiện
1. Sở Nông nghiệp
và PTNT
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành
có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức
xây dựng kế hoạch, phương án, dự án thực hiện sau khi Chương trình được UBND tỉnh
phê duyệt; xây dựng các chính sách, chương trình, đề án, dự án ưu tiên trình
UBND tỉnh xem xét, phê duyệt; kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả thực
hiện hàng năm và 5 năm; đề xuất, kiến nghị, bổ sung, điều chỉnh Chương trình
phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.
- Hàng năm, căn cứ nội dung Chương
trình phát triển thủy sản được UBND tỉnh phê duyệt, lập nhiệm vụ và dự toán
kinh phí cụ thể trình Sở Tài chính và các đơn vị liên quan thẩm định, phê duyệt
theo quy định.
- Chủ động tham mưu trình UBND tỉnh
ban hành các cơ chế, chính sách triển khai các chương trình, dự án đã được duyệt.
- Phối hợp với UBND các Sở ban ngành
liên quan; Công an tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Chương
trình.
- Phối hợp với các lực lượng chức
năng, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện công tác kiểm tra, kiểm
soát các hoạt động khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản trái quy định của
các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cân đối, bố trí vốn từ Ngân sách nhà nước tỉnh, các nguồn
vốn khác và hoàn thiện các chính sách về đầu tư, thuế để thực hiện có hiệu quả
Chương trình.
3. Sở Tài
nguyên & Môi trường
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT
hướng dẫn các chính sách ưu đãi cho các tổ chức cá nhân thuê đất, mặt nước phát
triển nuôi trồng thủy sản và kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường trong nuôi
trồng thủy sản.
4. Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố
Tổ chức xây dựng và thực hiện Chương
trình phát triển thủy sản phù hợp với điều kiện địa phương; phối hợp với các Sở,
ngành liên quan hoàn thiện hệ thống tổ chức ngành từ tỉnh đến huyện, xã về công tác quản lý thủy sản.