Kế hoạch 169/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch Quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 169/KH-UBND
Ngày ban hành 29/07/2021
Ngày có hiệu lực 29/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 169/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 29 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỦY SẢN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 VÀ KẾ HOẠCH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG MỘT SỐ DỊCH BỆNH NGUY HIỂM TRÊN THỦY SẢN NUÔI, GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ- TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch Quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030 phê duyệt tại Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh phù hợp thực tiễn địa phương, phát huy hiệu quả, thúc đẩy ngành thủy sản tỉnh phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương.

2. Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần ưu tiên thực hiện đối với từng lĩnh vực trong ngành thủy sản đến năm 2025, kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện với lộ trình cụ thể, từng bước nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước lĩnh vực thủy sản, kịp thời phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, xây dựng thành công các vùng, cơ sở sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh (ATDB) để phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

3. Tổ chức thực hiện kế hoạch, chiến lược một cách nghiêm túc, đồng bộ, đồng thời với việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, sơ tổng kết đánh giá, kịp thời điều chỉnh những nội dung không phù hợp, tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

a) Mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2030:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 2,5-3%/năm.

- Sản lượng thủy sản thu hoạch bình quân đạt 1.800 tấn/năm, trong đó sản lượng nuôi, trồng đạt 1.600 tấn/năm, sản lượng khai thác đạt 200 tấn/năm.

- Chủ động phòng bệnh, giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi, không để mầm bệnh lây lan rộng, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.

- Ngăn chặn có hiệu quả một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm, nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, các bệnh mới nổi gồm: Bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép (SVC); bệnh do Koi Herpes virus (KHV), bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococcus trên cá chép, trắm, trôi, mè; bệnh hoại tử cơ quan tạo máu (IHNV) trên cá hồi; bệnh do TilV (TiLV) và bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococcus trên cá rô phi, cá diêu hồng.

- Xây dựng được ít nhất từ 01 - 02 chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn với xây dựng thương hiệu để phục vụ tiêu dùng trong nước và từng bước hướng đến xuất khẩu.

b) Tầm nhìn đến năm 2045:

- Đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ, phát triển thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường, an toàn dịch bệnh, bảo đảm an ninh dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm, sản lượng thủy sản thu hoạch bình quân đạt 2.400 tấn/năm.

- Tiếp tục chủ động phòng bệnh, giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi, không để mầm bệnh lây lan diện rộng. Ngăn chặn có hiệu quả một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm, nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.

- Xây dựng thêm từ 05- 06 chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gắn với xây dựng thương hiệu để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

2.1. Tăng cường năng lực trong công tác quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức lĩnh vực thủy sản

- Tham gia, thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả các chương trình quốc gia, đề án phát triển ngành thủy sản được phê duyệt. Tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn trong tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp để thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy trong hệ thống quản lý Nhà nước về Thú y, thủy sản theo quy định, hướng dẫn của Trung ương; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong ngành thủy sản; quan tâm công tác đào, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức chuyên ngành thủy sản.

- Chú trọng công tác tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cho lao động tham gia nuôi trồng, chế biến thủy sản; xây dựng các mô hình áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo chuỗi liên kết để nhân rộng.

- Xây dựng chiến lược truyền thông các bệnh dịch nguy cơ phù hợp với từng đối tượng thủy sản nuôi, loại hình truyền thông; tổ chức tập huấn về truyền thông nguy cơ. Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý và bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh thủy sản, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản, xây dựng cơ sở, chuỗi nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh.

- Chia sẻ kết quả giám sát bị động, giám sát chủ động, xây dựng cơ sở, an toàn dịch bệnh với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu để hỗ trợ xác định thị trường tiêu thụ.

2.2. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy phong trào nuôi trồng thủy sản, hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh

- Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa, các thủy vực nội đồng, nuôi các loài thủy sản truyền thống và thủy đặc sản có giá trị kinh tế nhằm tạo sinh kế, chủ động nguồn cung cấp thực phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển các đối tượng thủy sản nước lạnh cung cấp cho thị trường nội địa.

[...]