Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 240/KH-TLĐ năm 2022 thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW và Nghị quyết 15/NQ-BCH do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 240/KH-TLĐ
Ngày ban hành 22/08/2022
Ngày có hiệu lực 22/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Trần Thanh Hải
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 240/KH-TLĐ

Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 12-CT/TW NGÀY 05/01/2022 CỦA BAN BÍ THƯ VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 15/NQ-BCH NGÀY 11/02/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 15/NQ-BCH ngày 11/02/2022 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) về Công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn ban hành Kế hoạch thực hiện với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Quán triệt, chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 15/NQ-BCH ngày 11/02/2022 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

- Xác định rõ trách nhiệm và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết tại các cấp công đoàn nhằm chủ động, tích cực mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp vào thành công chung của đối ngoại nhân dân; tranh thủ nguồn lực tài chính, kỹ thuật, tri thức, kinh nghiệm quốc tế để thúc đẩy đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn vì lợi ích đoàn viên, người lao động, vì sự phát triển vững mạnh toàn diện của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

- Các đơn vị được phân công chủ trì hoặc làm đầu mối chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm trước Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn trong việc đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ trì trong quá trình triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các phương châm, quan điểm, nguyên tắc, định hướng, quy định của Đảng, Nhà nước và Công đoàn Việt Nam về hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, trọng tâm là Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới (Chỉ thị 12-CT/TW) và Nghị quyết số 15/NQ-BCH ngày 11/02/2022 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới (Nghị quyết 15/NQ-BCH). Quán triệt, tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của công tác đối ngoại công đoàn, một bộ phận quan trọng của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Các cấp công đoàn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đối ngoại hằng năm đảm bảo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước và Quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại Công đoàn Việt Nam, bám sát với thực tế, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

2. Nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác đa phương; thực hiện có trách nhiệm vai trò thành viên của các tổ chức công đoàn quốc tế; phát huy vai trò tại các diễn đàn quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, đoàn kết quốc tế nhằm khẳng định, nâng cao hình ảnh, vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam và đất nước. Đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng lĩnh vực lao động, công đoàn chống phá tổ chức Công đoàn Việt Nam, chống phá Việt Nam. Tập trung duy trì, phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm của Liên hiệp Công đoàn Thế giới (WFTU), chủ động đề xuất sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của WFTU. Nghiên cứu để ký kết Thỏa thuận khung hợp tác phù hợp giữa Tổng Liên đoàn với Tổng Công đoàn Quốc tế (ITUC), đến năm 2023 cơ bản thiết lập cơ chế tham vấn và hợp tác với ITUC. Mở rộng, nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác với các công đoàn ngành toàn cầu; chủ động đề xuất các sáng kiến, tham gia hoạt động do các công đoàn ngành toàn cầu tổ chức.

3. Không ngừng đổi mới hình thức và nội dung hợp tác, mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thiện chí với Công đoàn Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác song phương. Thúc đẩy quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả với công đoàn các nước, trước hết là các nước láng giềng chung biên giới; tổ chức các hoạt động phù hợp để khơi dậy truyền thống và tình cảm đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, duy trì, củng cố quan hệ, phát huy tình hữu nghị với các đối tác và bạn bè truyền thống; phát triển quan hệ với trung tâm công đoàn quốc gia các nước lớn có vai trò quan trọng trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế, các nước có đông người Việt Nam đang lao động và học tập, các nước mà doanh nghiệp Việt Nam đang mở rộng đầu tư. Ưu tiên nối lại quan hệ, thiết lập quan hệ mới với các công đoàn thuộc ảnh hưởng của các đảng cộng sản, các công đoàn thuộc ảnh hưởng của các chính đảng quan trọng, đảng cầm quyền, đảng cánh tả có quan hệ với Đảng ta đối với các quốc gia có nhiều tổ chức công đoàn.

4. Tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong việc tập hợp, hỗ trợ người Việt Nam lao động hợp pháp ở nước ngoài. Chú trọng, đẩy mạnh các hình thức hợp tác liên quan đến hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam tại nước ngoài trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Công đoàn Việt Nam và công đoàn các nước tiếp nhận lao động. Tăng cường hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với các tổ chức công đoàn tại một số nước có đông người Việt Nam làm việc để bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam tại những nước này, trên cơ sở phù hợp với luật pháp của nước sở tại. Triển khai thực hiện đề án nghiên cứu thí điểm mô hình tập hợp người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

5. Khai thác có hiệu quả, đa dạng hóa và quản lý, sử dụng các nguồn lực hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tri thức, kinh nghiệm hoạt động công đoàn của các đối tác quốc tế để phục vụ đổi mới mô hình, nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Thúc đẩy công tác vận động, tư vấn, khai thác các dự án, chương trình hợp tác quốc tế, đảm bảo các chương trình, dự án được triển khai đồng bộ, thống nhất, theo đúng quy định pháp luật, đáp ứng mục tiêu, nhu cầu của Công đoàn Việt Nam, tránh sự chồng chéo, lãng phí. Tiếp thu có chọn lọc tri thức và kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với yêu cầu hoạt động của Công đoàn Việt Nam, đảm bảo phù hợp với thể chế chính trị và luật pháp trong nước. Tập trung khai thác nguồn lực hỗ trợ quốc tế cho lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn các cấp.

6. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng cụ thể; đẩy mạnh các kênh thông tin bằng tiếng nước ngoài, chú trọng tính tương tác, lan tỏa tích cực trong cộng đồng quốc tế. Tích cực, chủ động, kịp thời cung cấp các thông tin về phong trào công nhân, lao động, tình hình đoàn viên công đoàn và các hoạt động nổi bật, chủ trương lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam, thông tin về các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, những thành tựu phát triển của đất nước cho cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Theo sát thông tin dư luận trong và ngoài nước, kịp thời cung cấp thông tin và chủ động định hướng dư luận về các vấn đề liên quan đến lao động được người dân, lao động trong nước và cộng đồng quốc tế quan tâm.

7. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu về đối ngoại, chủ động theo dõi, kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình, xu hướng phát triển của phong trào công nhân - công đoàn trên thế giới. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong các lĩnh vực về lao động và công đoàn. Triển khai thực hiện hoạt động đối ngoại gắn với nhiệm vụ nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm, mô hình hoạt động công đoàn quốc tế.

8. Tăng cường công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại công đoàn các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đảm bảo có tính ổn định, kế thừa, có bản lĩnh chính trị, kiến thức, nghiệp vụ và ngoại ngữ vững vàng, năng động, chuyên nghiệp, hiểu biết rộng và chuyên sâu nhiều lĩnh vực, có khả năng đề xuất các kế hoạch, chiến lược phù hợp với các đối tác song phương, cũng như tham gia hiệu quả và chủ động trong các cơ chế đa phương.

9. Đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại công đoàn. Các cấp công đoàn xây dựng dự toán kinh phí, đảm bảo nguồn lực tài chính công đoàn triển khai các hoạt động đối ngoại hằng năm. Bố trí một phần tài chính công đoàn phù hợp để tham gia các hoạt động đoàn kết quốc tế chung; hỗ trợ, giúp đỡ các trung tâm công đoàn quốc gia có quan hệ đối tác truyền thống đặc biệt.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các ban, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, quán triệt về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đối ngoại nhân dân, hợp tác quốc tế và quy chế, quy định của Tổng Liên đoàn về hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong các cấp công đoàn. Là đầu mối phối hợp với các cơ quan hữu quan trong triển khai các hoạt động đối ngoại, đảm bảo tuân thủ đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đảm bảo an ninh, an toàn trong thực hiện các hoạt động đối ngoại.

- Chủ trì, phối hợp với các ban, đơn vị liên quan tham mưu, giúp Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW, Nghị quyết 15/NQ-BCH và Kế hoạch thực hiện.

- Chủ trì tham mưu thúc đẩy, phát huy mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống tốt đẹp với các đối tác đã thiết lập quan hệ, trong đó chú trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với công đoàn tại các nước láng giềng chung biên giới, các nước có hệ thống chính trị tương đồng với nước ta, các nước trong khu vực ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương; tăng cường quan hệ hợp tác phát triển với các nước đối tác chiến lược của Việt Nam và các nước lớn; thúc đẩy quan hệ với công đoàn các nước có đông người Việt Nam đang lao động, học tập, công đoàn các nước mà doanh nghiệp Việt Nam đang mở rộng đầu tư; phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm góp phần hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam tại những nước này.

- Chủ trì, phối hợp với các ban, đơn vị liên quan xây dựng Đề án Nghiên cứu thí điểm mô hình tập hợp người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Chủ trì, phối hợp với các ban, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng kế hoạch ký kết Thỏa thuận Khung hợp tác giữa Tổng Liên đoàn và Tổng Công đoàn Quốc tế (ITUC).

- Chủ trì hướng dẫn, phối hợp với các Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xây dựng và thực hiện Đề án gia nhập các công đoàn ngành toàn cầu thuộc ảnh hưởng của Tổng Công đoàn Quốc tế (ITUC) theo tiến độ mục tiêu chủ yếu đã đề ra tại Nghị quyết số 15/NQ-BCH.

- Chủ trì, hướng dẫn và phối hợp với các ban, đơn vị tổ chức nghiên cứu đề xuất đặt văn phòng khu vực Đông Nam Á của Liên hiệp Công đoàn Thế giới (WFTU) tại Việt Nam và văn phòng của Công đoàn Nông lương Quốc tế (UISTAACT) tại Việt Nam.

- Chủ trì, phối hợp với các ban, đơn vị vận động, khai thác các nguồn lực hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tri thức, kinh nghiệm hoạt động công đoàn của các đối tác quốc tế, tập trung vào lĩnh vực xây dựng năng lực cho cán bộ Công đoàn Việt Nam các cấp, đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới.

- Chủ trì rà soát, cập nhật Quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam và Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Quản lý các dự án của Tổng Liên đoàn phù hợp với những thay đổi trong quy định của Đảng, Nhà nước (nếu có).

[...]