Quyết định 1395/QĐ-TLĐ năm 2015 về Quy định quản lý hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 1395/QĐ-TLĐ
Ngày ban hành 08/10/2015
Ngày có hiệu lực 08/10/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Đặng Ngọc Tùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1395/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

- Căn cứ Luật Công đoàn năm 2012;

- Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

- Xét đề nghị của Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2255/QĐ-TLĐ ngày 14/11/2003 ban hành “Quy định quản lý hoạt động đối ngoại các cấp Công đoàn Việt Nam”.

Điều 3. Các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Đoàn Chủ tịch TLĐ;
- Lưu: VT, Ban ĐN TLĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Tùng

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
(ban hành kèm theo Quyết định số: 1395/QĐ-TLĐ ngày 08 tháng 10 năm 2015 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về nguyên tắc; quyền hạn, trách nhiệm; quy trình triển khai thực hiện hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn); Liên đoàn Lao động các tỉnh/thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn (sau đây gọi chung là Công đoàn ngành Trung ương).

Điều 3. Nguyên tắc, phương châm quản lý hoạt động đối ngoại

1. Nguyên tắc:

a. Thực hiện đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định hiện hành về công tác đối ngoại nhân dân.

b. Đảm bảo sự lãnh đạo và quản lý tập trung, thống nhất của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn; Phân công, phân nhiệm rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm của các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, Liên đoàn Lao động các tỉnh/thành phố, Công đoàn ngành Trung ương trong hoạt động đối ngoại.

c. Tăng cường hiểu biết, hữu nghị, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết hợp tác của công đoàn các nước, tổ chức công đoàn quốc tế và các tổ chức quốc tế với Công đoàn Việt Nam.

d. Kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Công đoàn Việt Nam với việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế phù hợp với khả năng và hoàn cảnh cụ thể.

2. Phương châm:

a. Hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác cùng có lợi, đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích của Công đoàn Việt Nam, lợi ích của người lao động trong, ngoài nước và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

[...]