Kế hoạch 238/KH-UBND năm 2024 phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 238/KH-UBND
Ngày ban hành 21/10/2024
Ngày có hiệu lực 21/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nghiêm Xuân Cường
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 238/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 21 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ, LÀNG NGHỀ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1630/QĐ-BNN-KTHT ngày 11/6/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 4336/TTr-SNNPTNT ngày 02/8/2024; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh;

Phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, tiềm năng của khu vực nông thôn, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề, phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, tạo việc làm và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân;

Góp phần bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, phát triển nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Bảo tồn và phát triển 02 làng nghề đã được công nhận trên địa bàn tỉnh[1], trong đó phát triển 01 làng nghề gắn với du lịch nông thôn và xây dựng nông thôn mới;

- Phát triển định hướng mới 01 làng nghề truyền thống[2];

- Bảo tồn và phát triển 03 nghề đã được công nhận trên địa bàn tỉnh[3], trong đó phát triển 01 nghề gắn với du lịch nông thôn và xây dựng nông thôn mới;

- Phát triển định hướng mới 05 nghề truyền thống[4];

- Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 6,0-7,0%/năm;

- Thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn là 80% và tỷ lệ được cấp bằng, chứng chỉ đạt 35%.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

- Ngành nghề nông thôn tiếp tục là hoạt động mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn gắn với các điểm du lịch nông thôn, góp phần trở thành các sản phẩm văn hóa du lịch;

- Phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn theo hướng phát triển bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của vùng, miền.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ, LÀNG NGHỀ NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

1. Định hướng phát triển theo nhóm ngành nghề nông thôn

a) Nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản

- Tăng tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất. Kết hợp phương pháp sản xuất truyền thống và hiện đại nhằm bảo tồn, phát huy các sản phẩm đặc trưng của địa phương;

- Cải tiến quy trình sản xuất theo chuỗi, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và hướng tới xuất khẩu.

b) Nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

- Tạo các mẫu mã sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phát triển sản xuất theo hướng làm quà tặng, đồ lưu niệm phục vụ đối tượng khách du lịch;

- Tăng cường liên kết giữa các nghề thủ công mỹ nghệ, kết hợp các nguyên liệu, vật liệu tạo ra các sản phẩm mới, độc đáo, có tính nghệ thuật, có khả năng sử dụng cao;

- Nghiên cứu, khuyến khích sử dụng nguyên liệu mới có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường thay thế cho các nguyên liệu truyền thống đang dần khan hiếm.

[...]