Kế hoạch 233/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp do tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 233/KH-UBND
Ngày ban hành 29/08/2017
Ngày có hiệu lực 29/08/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Lê Văn Hưởng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 233/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 29 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 20/CT-TTG NGÀY 17/5/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc và có hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện của Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị (Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền), Thủ trưởng các tổ chức thanh tra trong tỉnh; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra trong việc đổi mới công tác xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

2. Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, phân công trách nhiệm cụ thể trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt được kết quả tốt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm theo quy định của pháp luật, không để xảy ra kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quá 01 lần/năm

a) Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra:

- Thanh tra tỉnh, Thanh tra các sở, ngành, Thanh tra các huyện, thành, thị khi xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm phải chi tiết, cụ thể về nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp (nêu rõ tên, địa chỉ, ngành nghề hoạt động).

- Kế hoạch thanh tra phải theo đúng định hướng chương trình thanh tra và văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra của cơ quan thanh tra cấp trên; đúng thẩm quyền theo pháp luật quy định; nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao cho cơ quan thanh tra (Không được đưa vào kế hoạch thanh tra đối với các cuộc thanh tra không đúng thẩm quyền và định hướng chương trình thanh tra).

b) Phối hợp xử lý chồng chéo khi xây dựng kế hoạch thanh tra ở Thanh tra tỉnh, Thanh tra các sở, ngành và Thanh tra các huyện, thành, thị:

- Trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trước ngày 15/10 hàng năm, Thanh tra tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức thanh tra của tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra cho năm sau.

- Theo hướng dẫn, chỉ đạo của Thanh tra tỉnh, Thanh tra các sở, ngành, Thanh tra các huyện, thành, thị và các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, báo cáo dự thảo kế hoạch thanh tra, kiểm tra gửi về Thanh tra tỉnh trước ngày 31 tháng 10 để rà soát, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra (nhất là thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp).

- Thanh tra tỉnh tiến hành rà soát, xử lý chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra, có văn bản gửi Thanh tra các sở, ngành, Thanh tra các huyện, thành, thị trước ngày 05 tháng 12 về dự thảo kế hoạch thanh tra (theo mẫu hướng dẫn); trong đó nêu rõ những cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được tiến hành hoặc không tiến hành thanh tra.

- Trên cơ sở ý kiến của Thanh tra tỉnh, Thanh tra các sở, ngành và Thanh tra các huyện, thành, thị điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra trình Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị phê duyệt kế hoạch thanh tra theo thẩm quyền chậm nhất vào ngày 15 tháng 12 hàng năm.

- Trường hợp có sự chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra, Thanh tra tỉnh căn cứ quy định của pháp luật (Thông tư số 01/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ) để xác định thẩm quyền thanh tra và xử lý chồng chéo hoặc yêu cầu thực hiện lồng ghép các cuộc thanh tra, kiểm tra có cùng đối tượng thanh tra thành 01 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, xác định cơ quan chủ trì, cơ quan thanh tra phối hợp.

2. Phối hợp xây dựng kế hoạch và xử lý chồng chéo trong kế hoạch thanh tra

a) Đối với Thanh tra tỉnh:

- Khi chuẩn bị xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra, trước ngày 01 tháng 11, Thanh tra tỉnh có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước (chủ yếu là Kiểm toán Khu vực IX) thông báo danh mục thanh tra tại các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (về đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm toán) để tránh chồng chéo khi xây dựng kế hoạch.

- Trường hợp nội dung, đối tượng đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm toán nhưng cần phải đưa vào kế hoạch thanh tra theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thì Thanh tra tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước xem xét việc điều chỉnh kế hoạch.

- Khi nhận được văn bản của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chậm nhất ngày 15 tháng 11 hàng năm; thông báo cho các tổ chức thanh tra danh mục (đối tượng, nội dung) trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán của cấp trên cho các tổ chức thanh tra để xem xét điều chỉnh dự thảo kế hoạch thanh tra đã gửi, tránh trùng lặp, chồng chéo.

b) Đối với Thanh tra các sở, ngành và Thanh tra các huyện, thành, thị:

- Trước khi xây dựng, dự thảo kế hoạch thanh tra, trong tháng 9 hàng năm, Thanh tra các sở, ngành và Thanh tra các huyện, thành, thị chủ động khảo sát, nắm bắt thông tin, tình hình, nhiệm vụ của ngành, cấp mình. Riêng đối với Thanh tra các sở, ngành tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước định hướng chỉ đạo trong ngành (kể cả đơn vị tổ chức ở cấp huyện nếu có), Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, rà soát, phối hợp thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành trong tháng 9 trước khi gửi dự thảo kế hoạch của ngành về Thanh tra tỉnh xem xét xử lý.

- Trước ngày 01 tháng 11 Thanh tra các sở, ngành có văn bản đề nghị Thanh tra các Bộ, ngành cấp trên và Bộ, ngành có liên quan yêu cầu thông báo danh mục (đối tượng, nội dung) sẽ thanh tra các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại Tiền Giang (nếu có) và báo cáo cho Thanh tra tỉnh trước ngày 20 tháng 11 để làm cơ sở xem xét xử lý kế hoạch thanh tra.

- Khi xây dựng, dự thảo kế hoạch thanh tra, Thanh tra các sở, ngành và Thanh tra các huyện, thành, thị chủ động phối hợp, trao đối với nhau, nhất là sở, ngành có quan hệ về nhóm ngành, lĩnh vực có liên quan để thống nhất danh mục thanh tra, tránh chồng chéo, trùng lặp báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trước khi gửi dự thảo kế hoạch về Thanh tra tỉnh. Cụ thể sau:

▪ Thanh tra các sở, ngành: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, Khoa học và Công nghệ phối hợp thống nhất danh mục thanh tra, kiểm tra về nội dung an toàn vệ sinh thực phẩm, phân bón và các nội dung khác có liên quan.

▪ Thanh tra các sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội, Liên đoàn Lao động và các ngành có liên quan thống nhất danh mục thanh tra, kiểm tra về nội dung thực hiện pháp luật về lao động, bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động và các nội dung có liên quan.

[...]