Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 145/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Số hiệu 145/KH-UBND
Ngày ban hành 25/09/2017
Ngày có hiệu lực 25/09/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Nhữ Văn Tâm
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 145/KH-UBND

Thái Nguyên, ngày 25 tháng 9 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 20/CT-TTG NGÀY 17/5/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp (Chỉ thị số 20), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra trên địa bàn tỉnh; đổi mới hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

1.2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã đối với hoạt động thanh tra; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

1.3. Đảm bảo thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, đạt hiệu quả cao; đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước.

1.4. Không để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; không gây khó khăn, phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh.

2. Yêu cầu

2.1. Tất cả các cơ quan, tổ chức có chức năng thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải quán triệt và thực hiện đầy đủ nội dung Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ.

2.2. Xác định và xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu khi để xảy ra việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo; thanh tra, kiểm tra không đúng chương trình, kế hoạch, thẩm quyền, phạm vi quản lý nhà nước; thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm mà kết luận không theo các dấu hiệu đã được xác định là căn cứ để ra quyết định thanh tra, kiểm tra; thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm nhưng không xử lý hoặc xử lý không tuân theo quy định của pháp luật.

2.3. Công khai và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, cơ quan dân cử giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

1. Tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức

Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có chức năng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, các cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp phải phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung Chỉ thị số 20 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông của tỉnh, các chủ thể liên quan hiểu đúng nội dung của yêu cầu: “Không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp”. Trong đó, nhận thức đầy đủ yêu cầu nội dung này không bao gồm hoạt động kiểm tra định kỳ bắt buộc theo quy định của pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết bị đo lường,... để đảm bảo điều kiện kinh doanh của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra để đảm bảo điều kiện hoạt động của các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định pháp luật; kiểm tra trước khi hoàn thuế của cơ quan thuế theo quy trình hoàn thuế; thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có các căn cứ theo quy định pháp luật; thanh tra, kiểm tra chuyên đề đột xuất theo chỉ đạo bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh; thanh tra, kiểm tra theo chính yêu cầu của doanh nghiệp; xác minh, đối chiếu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và công tác phòng, chống tham nhũng; các hoạt động khảo sát, giám sát, kiểm tra của tổ chức Đảng, HĐND các cấp. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, Ban, ngành có liên quan rà soát, báo cáo cho UBND tỉnh để công khai nội dung kiểm tra định kỳ bắt buộc đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

2. Kiểm soát, chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ

Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh); Thanh tra tỉnh có trách nhiệm chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, báo cáo Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt; nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra, kiểm tra; ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra phải đúng thời hạn theo quy định.

Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm. Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra; trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; công chức thanh tra chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kết luận, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo các dấu hiệu đã được xác định là căn cứ để ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác hoặc Kiểm toán Nhà nước thì Chánh Thanh tra các đơn vị, địa phương tiến hành thanh tra phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình, Thanh tra tỉnh và cơ quan, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị, không được gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước của mình; kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp theo thẩm quyền về đối tượng thanh tra, kiểm tra; xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.

Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã nhằm kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về đối tượng thanh tra theo thẩm quyền; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra và các cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp; quyết định thanh tra, kiểm tra thiếu căn cứ, không ban hành được kết luận thanh tra, kiểm tra theo các dấu hiệu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành hàng năm

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có chức năng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp giao nhiệm vụ cho Thanh tra cơ quan, đơn vị mình làm đầu mối lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp của tất cả đơn vị thuộc và trực thuộc Sở, Ban, ngành mình. Các Sở, ban, ngành gửi dự thảo kế hoạch lấy ý kiến tham gia của Thanh tra tỉnh trước khi phê duyệt, chỉ đạo thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra vi phạm Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về thanh tra, kiểm tra.

UBND các huyện, thành phố, thị xã giao nhiệm vụ cho Thanh tra cùng cấp làm đầu mối lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ của tất cả đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện. UBND cấp huyện gửi dự thảo kế hoạch lấy ý kiến tham gia của Thanh tra tỉnh trước khi phê duyệt, chỉ đạo thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra vi phạm Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về thanh tra, kiểm tra.

[...]