Kế hoạch 229/KH-UBND năm 2019 về tổ chức thực hiện công tác Phòng cháy chữa cháy rừng năm 2020 trên địa bàn tỉnh Sơn La

Số hiệu 229/KH-UBND
Ngày ban hành 02/12/2019
Ngày có hiệu lực 02/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Lò Minh Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 229/KH-UBND

Sơn La, ngày 02 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Thực hiện Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017; Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Phương án số 01/PA-UBND ngày 08/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 17/01/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2019,

Nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) giảm thiểu thấp nhất do cháy rừng gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác PCCCR năm 2020 trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quản lý, bảo vệ và PCCCR trên toàn bộ diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hiện còn của tỉnh là 817.890,4 ha, trong đó: Rừng tự nhiên 587.706,58 ha, rừng trồng 26.871,15 ha và đất chưa có rừng trong quy hoạch lâm nghiệp 203.312,57 ha;

- Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh, giảm dần nguy cơ cháy rừng và hạn chế thiệt hại thấp nhất do cháy rừng gây ra góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

- Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR của các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, các ban ngành và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư; nâng cao năng lực chỉ huy về PCCCR của Ban Chỉ đạo các cấp. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức quản lý BVR, PCCCR, lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên rừng hiện có.

- Phát hiện sớm lửa rừng, huy động lực lượng dập tắt lửa khẩn trương, kịp thời và triệt để, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng, không để cháy lớn kéo dài gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

2. Yêu cầu

- Lực lượng kiểm lâm với chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật;

- Tuyên truyền sâu, rộng đến các cấp, các ngành, các chủ rừng và nhân dân trên địa bàn về nhiệm vụ, tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Thực hiện PCCCR theo phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra;

- Các cấp, các ngành, các đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, truy quét các đối tượng có hành vi phá rừng, khai thác rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật và thực hiện nghiêm công tác BVR, PCCCR trên địa bàn quản lý;

- Tăng cường thanh tra, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm; Đưa nội dung chỉ tiêu BVR, PCCCR là một tiêu chí chính để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ và thi đua đối với tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở có liên quan. Chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm trước chính quyền cấp trên trực tiếp trong công tác BVR, PCCCR trên địa bàn quản lý.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Công tác phòng cháy

1.1. Công tác tuyên truyền (được tiến hành thường xuyên, liên tục)

a) Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức bảo vệ rừng và PCCCR là hết sức quan trọng; đòi hỏi sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, chính quyền địa phương và các chủ rừng nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về BVR và PCCCR.

b) Nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và PCCCR phải thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và phù hợp cho từng lứa tuổi, từng đối tượng; hình thức đa dạng, phong phú, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng trong PCCCR;

c) Hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền trực tiếp và tổ chức ký cam kết BVR và PCCCR giữa từng hộ gia đình với trưởng bản, giữa trưởng bản với Chủ tịch UBND cấp xã, giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND cấp huyện; xây dựng, chỉnh sửa và bổ sung quy ước, hương ước có nội dung bảo vệ rừng và PCCCR đến từng thôn, bản; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Pa nô áp phích ...

1.2. Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh Sơn La; Kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 cấp huyện, xã, trong đó xây dựng quy chế làm việc cụ thể, đảm bảo có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo. Tổ chức giao ban định kỳ và thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện công tác PCCCR để Trưởng ban chỉ đạo nắm và chỉ đạo kịp thời; Ban chỉ đạo tỉnh, huyện, xã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện BVR và PCCCR.

1.3. Xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR

Theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, trách nhiệm lập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng được quy định cụ thể như sau:

- Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư lập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng theo Mẫu số 01 Phụ lục III kèm theo theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

- Chủ rừng là tổ chức lập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng theo Mẫu số 02 Phụ lục III kèm theo theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

- Ủy ban nhân dân cấp xã được giao quản lý đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê lập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn theo Mẫu số 03 Phụ lục III kèm theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

Phương án PCCCR phải được bổ sung, chỉnh lý kịp thời khi có những thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy rừng và các điều kiện liên quan đến hoạt động cháy rừng. Hạt Kiểm lâm cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng của chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và UBND cấp xã được giao quản lý rừng.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ