Kế hoạch 220/KH-UBND năm 2024 thực hiện Kế hoạch 344-KH/TU thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 220/KH-UBND
Ngày ban hành 20/06/2024
Ngày có hiệu lực 20/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Sơn Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 220/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 20 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 344-KH/TU NGÀY 22 THÁNG 4 NĂM 2024 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 28-CT/TW NGÀY 25 THÁNG 12 NĂM 2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC

Thực hiện Kế hoạch số 344-KH/TU ngày 22 tháng 4 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (gọi tắt là Kế hoạch số 344-KH/TU); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 344- KH/TU, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cán bộ, công chức, viên chức và toàn xã hội trong việc thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

b) Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch số 344-KH/TU; xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, phân công trách nhiệm tập trung chỉ đạo thực hiện đến năm 2035.

c) Làm cơ sở để các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch số 344-KH/TU.

2. Yêu cầu

a) Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 344-KH/TU và Kế hoạch này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân đảm bảo thiết thực, hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

b) Bảo đảm nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; lồng ghép các mục tiêu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của ngành, địa phương, coi đây là nội dung quan trọng của mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

c) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch; bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả, đúng tiến độ giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong Kế hoạch.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

a) Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 28-CT/TW, Kế hoạch số 344-KH/TU và Kế hoạch này với quy mô sâu rộng, nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú.

b) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật, kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp chính quyền, của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

c) Chỉ đạo, phối hợp các cơ quan báo chí, các tổ chức chính trị - xã hội, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đến từng gia đình, trường, lớp học, cộng đồng dân cư.

d) Tập huấn, hướng dẫn các chuyên đề, kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bóc lột trẻ em và các kỹ năng làm việc với trẻ em nhằm đảm bảo quyền trẻ em theo quy định.

đ) Phối hợp tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến từng địa bàn dân cư. Biểu dương, nhân rộng các phong trào, mô hình, sáng kiến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

2. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

a) Các cơ quan, đơn vị và địa phương triển khai thực hiện thường xuyên, thiết thực, hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch của Nhà nước về trẻ em.

b) Lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị, bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển.

c) Bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách đối với trẻ em, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước, phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện chính sách đối với trẻ em; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em, nhất là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

d) Xác định trách nhiệm cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo đảm quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên lĩnh vực, địa bàn do mình phụ trách.

đ) Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, nêu cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thể hiện đầy đủ quyền và bổn phận của trẻ em đối với gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, quê hương đất nước phù hợp với lứa tuổi.

3. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

a) Rà soát, kiến nghị hoàn thiện các chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 28-CT/TW, Kế hoạch số 344-KH/TU và Kế hoạch này bao gồm các tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em; thực hiện chuyển đổi số trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.

b) Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch tạo sự đồng bộ, phát triển liên tục từ những năm đầu đời đến khi trưởng thành của trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 05 tuổi.

[...]