Kế hoạch 1495/KH-UBND năm 2024 thực hiện Kế hoạch 209-KH/TU về thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW “Về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” do tỉnh Tây Ninh ban hành

Số hiệu 1495/KH-UBND
Ngày ban hành 22/05/2024
Ngày có hiệu lực 22/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Trần Văn Chiến
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1495/KH-UBND

Tây Ninh, ngày 22 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 209-KH/TU NGÀY 16/4/2024 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 28-CT/TW, NGÀY 25/12/2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ “VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC”

Thực hiện Kế hoạch số 209-KH/TU ngày 16/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội trong việc thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp chính quyền đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển con người, tạo ra nguồn nhân lực, lực lượng lao động có chất lượng cả về trí và lực phù hợp với sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

2. Yêu cầu

- Các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cấp tỉnh và huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn; lồng ghép các mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của ngành, địa phương, coi đây là một nội dung quan trọng của mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

- Các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và trách nhiệm đối với hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

- Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em đến mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu rõ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất, không bị phân biệt đối xử, được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe.

- Tổ chức đa dạng các hình thức phổ biến, tuyên truyền các nội dung Chỉ thị số 28-CT/TW và các văn bản có liên quan đến trẻ em, các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em theo hướng linh hoạt, phong phú về nội dung, nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quá trình thực hiện, tuyên truyền trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

- Tuyên truyền, giới thiệu, nêu gương, biểu dương, nhân rộng các tổ chức, cá nhân, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tiêu biểu nhằm động viên, khuyến khích Nhân dân, các cấp, các ngành trong công tác trẻ em.

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tiêu chuẩn, quy trình tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em phù hợp giai đoạn mới

- Nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền theo hướng mở rộng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Lồng ghép, phối hợp, chuyển tuyến liên ngành, liên cấp theo hình thức dịch vụ một cửa và các gói dịch vụ tiếp cận trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em tại gia đình và cộng đồng. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em, nhất là địa bàn kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Bố trí ngân sách cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, phân bổ nguồn lực hợp lý để thực hiện các chính sách đối với trẻ em, tranh thủ các nguồn viện trợ, tài trợ, huy động sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế.

- Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách bảo trợ xã hội cho trẻ em; huy động tối đa các nguồn lực xã hội hoá, khuyến khích và huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, xã hội tham gia đóng góp vào Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, phối hợp thực hiện tốt các chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

3. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong các hoạt động nhằm thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Thực hiện tốt các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu các chương trình, kế hoạch trung hạn, dài hạn về công tác trẻ em, như: Quyết định số 868/QĐ-UBND ngày 27/4/2020 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 550/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1807/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2230/QĐ-UBND ngày 13/9/2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 2283/QĐ-UBND ngày 11/11/2022 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2025; Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 06/2/2024 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024 - 2030 và các chương trình, kế hoạch, đề án khác có liên quan đến trẻ em.

- Thường xuyên rà soát, thành lập/kiện toàn Ban Chỉ đạo/Ban điều hành Công tác trẻ em/Ban Bảo vệ trẻ em/nhóm thường trực bảo vệ trẻ em các cấp. Ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể để chỉ đạo, điều hành công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về trẻ em từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trẻ em. Nâng cao năng lực, đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em, nhân viên công tác xã hội trên toàn tỉnh. Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu về trẻ em liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; quản lý chặt chẽ các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo trợ, các hoạt động xã hội, từ thiện và các hoạt động khác liên quan đến trẻ em. Kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi xâm hại, bạo lực, bỏ rơi, mua bán, lạm dụng, xúi giục, kích động trẻ em và các hành vi bị nghiêm cấm khác.

4. Tăng cường quản lý nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

- Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tham gia nghiên cứu, chỉ đạo việc xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em. Quan tâm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi; phát triển hệ thống phúc lợi, dịch vụ xã hội cho trẻ em theo hướng liên thông, chất lượng, thuận lợi trong tiếp cận. Xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện, bảo đảm cho trẻ em có cơ hội phát triển về thể chất, tinh thần, nhân cách, tài năng, trí tuệ.

[...]