Kế hoạch 220/KH-UBND năm 2023 công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 của tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 220/KH-UBND
Ngày ban hành 26/12/2023
Ngày có hiệu lực 26/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Hoàng Tuấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 220/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 26 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC NĂM 2024 CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) năm 2024, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tiếp tục chỉ đạo, triển khai cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực PCTNTC; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, các ngành trong công tác PCTNTC, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong PCTNTC, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

- Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ và kiểm soát quyền lực nhà nước đối với người có chức vụ, quyền hạn. Kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật.

2. Yêu cầu

- Triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác PCTN phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; chỉ đạo đánh giá, khắc phục tồn tại trong công tác PCTNTC năm 2023; phải xác định việc thực hiện công tác PCTNTC là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục, lâu dài, là một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.

- Công tác PCTNTC của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải được xây dựng và triển khai cụ thể, chi tiết, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của mình; trong đó xác định rõ nội dung, yêu cầu, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, thời gian thực hiện cụ thể; tập trung vào những hạn chế trong quản lý đã phát sinh tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong những năm qua; nhất là năm 2024 để xây dựng kế hoạch công tác PCTNTC phù hợp với tình hình thực tế.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTNTC

a) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, văn bản của Trung ương, của tỉnh và các giải pháp có hiệu quả về công tác PCTNTC; trong đó, cần nêu rõ nội dung, cơ quan tham mưu thực hiện, thời gian hoàn thành cụ thể.

b) Thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm ban hành và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật về PCTN để kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp để đề xuất, tham mưu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách, quy định.

c) Xây dựng và hoàn thiện cụ thể hóa chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực; nhất là quản lý về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu giá, đấu thầu, quản lý tài sản công...

d) Tăng cường về chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin, tuyên truyền PCTNTC theo Quy định số 116-QĐ/TW ngày 28/7/2023 của Ban Bí thư; triển khai thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN và các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác PCTNTC[1] cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương bằng nhiều hình thức cụ thể, nội dung phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền; các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục đưa nội dung PCTNTC vào chương trình giảng dạy theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giáo dục nhân cách, đạo đức đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên.

đ) Thực hiện đồng bộ các biện pháp PCTNTC trong phạm vi quản lý, phụ trách; kết hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc; thực hiện hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, đảm bảo giải quyết dứt điểm, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

e) Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công tác PCTNTC trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN và xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý; thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; bao che, dung túng hành vi sai phạm.

f) Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTNTC[2], trước hết là cơ quan thanh tra trực thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương, các đơn vị chuyên trách về PCTNTC; đối với các cơ quan, đơn vị không có cơ quan thanh tra, phải bố trí công chức có năng lực để tham mưu cho Thủ trưởng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của cơ quan đơn vị mình; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức[3].

g) Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch PCTNTC, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ và đột xuất cho UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời.

2. Nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ có hiệu quả các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng theo quy định; trong đó tập trung một số giải pháp trọng tâm sau:

a) Tăng cường việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước; quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật PCTN, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022, trong đó, tập trung vào các nội dung sau:

- Công khai, minh bạch đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 10 Luật PCTN năm 2018, cụ thể:

+ Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và công dân.

+ Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

+ Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn.

+ Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung khác mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch.

[...]