Kế hoạch 206/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn II 2021-2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 1677/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 206/KH-UBND
Ngày ban hành 13/04/2022
Ngày có hiệu lực 13/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Phước
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 206/KH-UBND

An Giang, ngày 13 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON GIAI ĐOẠN II 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1677/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Thực hiện Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025”; Công văn số 5973/BGDĐT-GDMN, ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc tăng cường các điều kiện để huy động trẻ mầm non, trên cơ sở đề nghị của Sở GDĐT tại Tờ trình số 829/TTr-SGDĐT ngày 05 tháng 4 năm 2022, Ủy ban nhân dân (UBND) tnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn II 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh An Giang với các nội dung:

A. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON THEO QUYẾT ĐỊNH 1677/QĐ-TTg, GIAI ĐOẠN 2018-2020

Căn cứ Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển Giáo dục mầm non (GDMN) giai đoạn 2018-2025, giai đoạn I 2018-2020, UBND tỉnh An Giang, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án phát triển GDMN cụ thể như sau:

- Kế hoạch số 150/KH-UBND, ngày 02 tháng 4 năm 2019 của UBND tỉnh Kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2020;

- Kế hoạch số 138/KH-UBND, ngày 28 tháng 3 năm 2019 của UBND tỉnh Kế hoạch thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDMN giai đoạn 2018-2025”;

- Kế hoạch số 161/KH-UBND, ngày 29 tháng 3 năm 2021 của UBND tỉnh Kế hoạch triển khai thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của cán bộ quản lý, giáo viên năm 2021;

- Quyết định số 219/QĐ-UBND, ngày 11 tháng 02 năm 2022 của UBND tình Quyết định ban hành Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang”.

I. Một số kết quả đạt được về Phát triển Giáo dục mầm non theo Quyết định 1677/QĐ-TTg giai đoạn 2018-2020

1.1. Qui mô mạng lưới trường, lớp

- Toàn tỉnh hiện có 197 trường mầm non, nhà trẻ, mẫu giáo công lập và tư thục (công lập 179 trường; tư thục 18 trường); có 157 nhóm trẻ; lớp mẫu giáo độc lập tư thục.

- Tổng số nhóm, lớp: 1.886, trong đó (nhóm trẻ 167, lớp mẫu giáo 1.719).

- Tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp: Trẻ nhà trẻ 6,8% so dân số độ tuổi; trẻ mẫu giáo 72,7% so dân số độ tuổi (trong đó trẻ mẫu giáo 5 tuổi 99,7%).

+ Trẻ mầm non cơ sở GDMN Công lập: 49.631/56.450 trẻ (chiếm tỷ lệ 87,9% tổng số trẻ ra lớp).

+ Trẻ mầm non cơ sở GDMN Tư thục: 6.819/56.450 trẻ (chiếm tỷ lệ 12,8% so tổng số trẻ ra lớp).

- Tỷ lệ trẻ mầm non học 2 buổi/ngày và bán trú 79,09% (trong đó trẻ học bán trú 41,84%).

1.2. Phát triển về đội ngũ

- Tổng số cán bộ quản lý (CBQL); Chủ cơ sở; giáo viên mầm non (GVMN), nhân viên (NV) là 4.637 người (trong đó CBQL 460 người; Chủ cơ sở 153; GVMN 2.970 người; NV 1.054 người. Trình độ GVMN đạt chuẩn 99,0%, trong đó trên chuẩn là 72,6%.

- Tỷ lệ giáo viên/nhóm, lớp là 2.962/1.886 nhóm, lớp - tỷ lệ 1,63 giáo viên/nhóm, lớp (bố trí theo định biên lớp bán trú 2.0; 2 buổi/ngày 1.5 và 1 buổi 1.0 giáo viên/lớp), tỷ lệ giáo viên bình quân tăng mỗi năm là 10-15%.

- Tỷ lệ đánh giá chuẩn nghề nghiệp GVMN: Đạt tốt, khá là 2.893/2.962, tỷ lệ 97,67%; đạt 177/2.962, tỷ lệ 5,98%; chưa đạt 15/2.962, tỷ lệ 0,51%.

- 100% GVMN đều được hưởng đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định như: Chế độ về tiền lương; phụ cấp chức vụ; chính sách ưu đãi đối với giáo viên công tác vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chế độ làm việc của GVMN. Không có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.

1.3. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Phòng học: Toàn tỉnh có 1.915 phòng học/1.886 nhóm, lớp (trong đó, phòng học kiên cố 1.578/1.915 tỷ lệ 82,40%; phòng bán kiên cố 247/1.915, tỷ lệ 12,9% và phòng học tạm, nhờ 111/1.915, tỷ lệ 5,8%). Phòng học đảm bảo 01phòng/01 lớp cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày. 100% trường, lớp có công trình vệ sinh, nước sạch đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non.

- Ưu tiên các nguồn vốn từ các chương trình dự án và các nguồn thu hợp pháp khác để đầu tư xây dựng phòng học phù hợp với thực tế của địa phương, đảm bảo CSVC từng bước đáp ứng theo lộ trình chuẩn quốc gia và yêu cầu thực hiện duy trì công tác PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi.

1.4. Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi

- Phát triển số lượng và nâng cao chất lượng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 84/179 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 46,9%.

- Duy trì, nâng cao chất lượng PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, đến nay toàn tỉnh có 11/11 huyện, thị, thành phố; đạt tỷ lệ 100% đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi. Tổng 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày và bán trú. Tổng số trẻ mẫu giáo 5 tuổi huy động bình quân hàng năm đạt từ 98,5 đến 99% so với dân số 5 tuổi.

[...]