Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 190/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU về Phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định 449/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 190/KH-UBND
Ngày ban hành 25/07/2022
Ngày có hiệu lực 25/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 190/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 25 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10-NQ/TU NGÀY 10/12/2021 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 449/QĐ-UBND NGÀY 07/3/2022 CỦA UBND TỈNH VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/ĐH XVII ngày 16/11/2020 nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kì 2020-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 10);

Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 07/3/2022 của UBND tỉnh về UBND tỉnh về việc Phê duyệt Đề án phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án số 449);

Sau khi xem xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 78/TTr-SGDĐT ngày 27/6/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2025 và Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 07/3/2022 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Đề án “Phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt về nhận thức, hành động của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, đặc biệt chú trọng tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, thực hiện Kế hoạch.

- Xác định các nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể, khả thi, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành để Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số 10-NQ/TU.

- Kế hoạch là căn cứ để các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

2. Yêu cầu

- Bám sát các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 10-NQ/TU để hoàn thành các mục tiêu phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; các cơ chế, chính sách, đề án, dự án, nhiệm vụ, … trong Kế hoạch triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

- Phân công rõ ràng trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành, UBND cấp huyện trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh với lộ trình, thời gian cụ thể, phù hợp.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.

- Kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện trên tất cả các lĩnh vực; sơ kết, tổng kết thực tiễn, kịp thời phát hiện, đề xuất bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết số 10-NQ/TU.

- Quá trình tổ chức thực hiện phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và phải phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện của tỉnh.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

- Đầu tư phát triển giáo dục Vĩnh Phúc theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hoá, xã hội hoá và hội nhập quốc tế, đảm bảo đủ về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tạo đột phá trong hoạt động quản lí giáo dục, quản trị nhà trường; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; nâng cao chất lượng dạy chữ, dạy người hướng đến chân - thiện - mỹ; phát huy ý chí, sức sáng tạo, hun đúc khát vọng cống hiến và phát triển của con người Vĩnh Phúc. Chú trọng chất lượng dạy và học tin học, ngoại ngữ, kĩ năng sống, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, phục vụ học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Đến năm 2025, giáo dục Vĩnh Phúc là một trong những đơn vị tiên tiến của cả nước. Đến năm 2030, giáo dục Vĩnh Phúc đạt trình độ tiên tiến của khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.

2. Các chỉ tiêu

- Giảm điểm trường lẻ và lớp ghép, hoàn thành sắp xếp quy mô trường lớp các cấp học; mỗi huyện, thành phố có tối thiểu 01 trường THCS và 01 trường THPT trọng điểm về chất lượng, tiên tiến về cơ sở vật chất theo xu thế hội nhập quốc tế; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng 10% số trường mầm non, phổ thông tiên tiến về chất lượng và cơ sở vật chất theo xu thế hội nhập quốc tế, 02 trường phổ thông liên kết quốc tế.

- Đảm bảo đủ số lượng giáo viên, nhân viên ở các cấp học, có cơ cấu hợp lý; 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (trong đó tỷ lệ trên chuẩn đạt 90% giáo viên mầm non, 10% giáo viên tiểu học, 15% giáo viên THCS, 45% giáo viên THPT đến năm 2025; 95% giáo viên mầm non, 20% giáo viên tiểu học, 25% giáo viên THCS, 60% giáo viên cấp THPT đến năm 2030); 95% giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (trong đó 40-50% theo chuẩn quốc tế, 10-15% có chứng chỉ dạy tiếng Anh quốc tế); đến năm 2030 có 60-70% giáo viên ngoại ngữ, tin học đạt chứng chỉ quốc tế theo yêu cầu của cấp học.

- Đến năm 2025, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, quản trị trường học cho 100% cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó có tối thiểu 10% cán bộ quản lý giáo dục tham gia đào tạo nâng cao trình độ tại các cơ sở nước ngoài hoặc liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Đến năm 2030, đảm bảo 100% Hiệu trưởng, cán bộ quản lý ngành và trên 30% Phó Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục được tham gia đào tạo nâng cao trình độ tại các cơ sở nước ngoài hoặc liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

- Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025, đạt 70% (trong đó 10% đạt chuẩn mức độ 2), đến năm 2030 đạt 90% (trong đó 30% đạt chuẩn mức độ 2). Tỷ lệ phòng học được đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số cho các trường phổ thông đến năm 2025 đạt 5% trường học tiểu học và 5% trường THCS, 30% trường THPT; đến năm 2030, đạt 50% trường học tiểu học, 50% trường THCS, 100% trường THPT. Trước năm 2030, có 10% trường trung học được trang bị thiết bị và chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh phương thức giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

- Hoàn thành, đưa vào hoạt động 01 trường chuyên biệt (hoặc trung tâm giáo dục chuyên biệt) cấp tỉnh dành cho trẻ khuyết tật với cơ sở vật chất đồng bộ và đủ cơ cấu, số lượng giáo viên.

[...]