Kế hoạch 2049/KH-UBND năm 2018 thực hiện công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018-2020

Số hiệu 2049/KH-UBND
Ngày ban hành 25/07/2018
Ngày có hiệu lực 25/07/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Trần Thị Nga
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2049/KH-UBND

Kon Tum, ngày 25 tháng 7 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM KÊ, SƯU TẦM, BẢO QUẢN, TRƯNG BÀY, TUYÊN TRUYỀN DI SẢN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐIỂN HÌNH CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

Căn cứ Quyết định số 2493/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017-2020”.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018 - 2020, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội, các chủ thể văn hóa và các tổ chức, cá nhân liên quan.

- Thực hiện các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số ở địa phương để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống một cách lâu dài, bền vững.

- Giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số của địa phương; thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của người dân.

2. Yêu cầu

- Tiến hành khảo sát, tổng kiểm kê di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số nhằm nhận diện đầy đủ, chính xác giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số ở Kon Tum.

- Việc kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số phải được thực hiện khách quan, trung thực, tiết kiệm và hiệu quả.

- Công tác biên soạn các ấn phẩm nhằm lưu giữ, tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số phải được tiến hành một cách khoa học, đảm bảo chất lượng.

II. MỤC TIÊU

- 70% cán bộ của cơ quan, đơn vị có liên quan trực tiếp đến công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum được tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tác nghiệp.

- Sưu tầm bổ sung các tài liệu, tư liệu, hiện vật quý hiếm là di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; bảo quản cấp thiết đối với các tài liệu, hiện vật quý hiếm (đã có hoặc mới được sưu tầm).

- Hoàn thành việc lập tổng danh mục di sản văn hóa truyền thống điển hình các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đang còn tồn tại hoặc đang có nguy cơ mai một trong cộng đồng các dân tộc.

- Thiết lập cơ sở dữ liệu di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum để quản lý thống.

III. THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN THỰC HIỆN

1. Thời gian: Từ năm 2018 đến năm 2020.

2. Đối tượng: Các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh, gồm: Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ - Triêng, Brâu, Rơ Măm và Hrê.

3. Địa bàn: Các huyện, thành phố.

IV. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ trọng tâm

1.1. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thông điển hình của các dân tộc thiểu số của địa phương.

1.2. Tiến hành kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhằm nhận diện, xác định giá trị bảo đảm các tiêu chí về tính truyền thống, điển hình của di sản văn hóa; triển khai các hoạt động sưu tầm và bảo quản theo quy trình khoa học; tập hợp, xử lý thông tin về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum.

1.3. Đánh giá thực trạng trưng bày, tuyên truyền về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, làm căn cứ để tiến hành chỉnh lý, nâng cấp nhằm tăng cường tính hấp dẫn của công tác trưng bày, tuyên truyền.

1.4. Đổi mới về nội dung, đa dạng hóa về hình thức giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum.

[...]