Kế hoạch 201/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 201/KH-UBND
Ngày ban hành 01/07/2021
Ngày có hiệu lực 01/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 201/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 01 tháng 07 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2045; Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 1368/QĐ-BNN-CN ngày 01/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi sản xuất theo hướng tập trung, với trình độ chăn nuôi từng bước được hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, nâng cao thu nhập ổn định cho người chăn nuôi, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.

- Kiểm soát chặt chẽ về hoạt động chăn nuôi, giết mổ động vật, tập trung kêu gọi xã hội hóa các hệ thống giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến, đáp ứng yêu cầu trong Tỉnh và định hướng xuất khẩu.

- Đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng khu vực trên địa bàn Tỉnh và đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng thị trường; tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng. Chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn; duy trì các mô hình chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học và từng bước chuyển dần hình thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi tập trung, khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất khép kín. Liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm làm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ đến người chăn nuôi. Nâng cao hiệu quả hoạt động và tập trung phát triển mô hình hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã và kinh tế trang trại, làm chủ thể để liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

- Tổ chức các mô hình chăn nuôi đến khu vực của từng huyện. Mô hình phát triển chăn nuôi được xây dựng cho từng loại vật nuôi chính, có lợi thế phát triển; sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong Tỉnh và cả nước.

2. Mục tiêu cụ thể

- Mức tăng trưởng giá trị sản xuất: giai đoạn 2021 - 2025 trung bình đạt từ 4 - 5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 trung bình đạt từ 3 - 4%/năm.

- Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại: đến năm 2025 đạt từ 69 - 72 ngàn tấn, trong đó: thịt heo chiếm khoảng 63 - 67%, thịt gia cầm khoảng 18 - 19%, thịt gia súc ăn cỏ (thịt trâu, bò,...) khoảng 13 - 14%; đến năm 2030 đạt khoảng 88 - 93 ngàn tấn.

- Sản lượng trứng: đến năm 2025 đạt từ 370 - 390 triệu trứng; đến 2030 đạt khoảng 473 - 497 triệu trứng.

- Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030.

- Xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN 2045

1. Định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030

- Tiếp tục phát triển chăn nuôi heo theo hướng tăng tổng đàn, với hình thức chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, từng bước hình thành các khu vực khuyến khích chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp; đồng thời, mở rộng hình thức chăn nuôi theo hướng hữu cơ với với các giống cao sản; tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

- Chăn nuôi trâu: Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, hình thành các khu giết mổ tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường; nâng cao năng suất đàn trâu hướng thịt, tạo thu nhập ổn định cho người chăn nuôi và nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực.

- Chăn nuôi bò: Phát triển chăn nuôi bò theo hướng trang trại, công nghiệp, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển đàn bò thịt trên địa bàn tỉnh theo hướng chọn tạo đàn bò hướng thịt.

- Chăn nuôi gà: Phát triển chăn nuôi gà theo hướng tập trung, thực hiện quy trình nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng theo chuỗi giá trị.

- Chăn nuôi vịt: Phát triển tổng đàn với quy mô lớn, tập trung, vững bền, khai thác hết phụ phẩm và phối hợp hiệu quả với việc phát triển ngành lúa gạo và cá tra của tỉnh, tạo ra giá trị gia tăng cao.

- Khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp trong nước.

- Kiểm soát dịch bệnh: nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và những dịch bệnh có nguy cơ lây sang người, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong Tỉnh và cả nước.

- Giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi: nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung theo hướng hiện đại các loại vật nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến và chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi làm tăng sức mua trong Tỉnh và đáp ứng tốt hơn cho nhu trong nước.

- Nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi, nhất là vấn đề kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư chất cấm, lạm dụng kháng sinh và hóa chất trong chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến thực phẩm.

- Nâng cao năng lực kiểm soát môi trường trong chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi đáp ứng các quy định của pháp luật về môi trường. Tất cả các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, chăn nuôi côn trùng, sản xuất năng lượng tái tạo,…

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ