Kế hoạch 1548/KH-UBND năm 2021 về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Số hiệu 1548/KH-UBND
Ngày ban hành 23/06/2021
Ngày có hiệu lực 23/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Nguyễn Trung Thảo
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1548/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 23 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2026 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

Thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; Quyết định số 1368/QĐ-BNN-CN ngày 01/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Kế hoạch Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng phát triển giai đoạn 2026 - 2030 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

Phát triển các loại vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản; chăn nuôi theo vùng, theo hướng trang trại, sản xuất hàng hóa; áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, liên kết sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị gia tăng.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm. Định hướng phát triển chăn nuôi phải phù hợp với quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả nước; tập trung đầu tư cho các vùng có điều kiện phát triển chăn nuôi hàng hoá theo phương thức thâm canh, kết hợp chăn nuôi truyền thống với chăn nuôi công nghiệp tạo tính bền vững và hiệu quả; chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ sang quy mô vừa và lớn theo hướng sản xuất hàng hoá, bán công nghiệp trên cơ sở có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Tốc độ tăng bình quân sản lượng thịt hơi xuất chuồng giai đoạn 2021 - 2030 đạt 3 - 4%/năm. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025 đạt trên 35,2%, đến năm 2030 đạt 38%.

b) Tổng đàn vật nuôi

- Đến năm 2025 đàn trâu đạt 107.447 con, đàn bò đạt 119.211 con, đàn lợn đạt 366.982 con, đàn gia cầm đạt trên 3.119.419 con.

- Đến năm 2030 đàn trâu đạt 112.928 con, đàn bò đạt 153.424 con, đàn lợn đạt 446.490 con, đàn gia cầm đạt 3.278.541, các vật nuôi khác (dê, thỏ, ngựa) đạt trên 15.000 con.

c) Tổng sản lượng thịt hơi các loại đến năm 2025 đạt 43.600 tấn, đến năm 2030 đạt 53.046 tấn. Trong đó sản lượng thịt lợn xuất chuồng năm 2025 đạt 31.037 tấn, năm 2030 đạt 37.761 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đến năm 2025 đạt 38.899 triệu quả/năm, đến năm 2030 đạt 52.051 triệu quả/năm.

d) Đến năm 2030, có khoảng 30 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô chăn nuôi trang trại. Tỷ lệ đàn vật nuôi tại các trang trại có khoảng 70% đàn lợn, 15% đàn gia cầm, 15% đàn trâu, bò.

e) Mỗi huyện, Thành phố hình thành ít nhất 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

f) Xây dựng được ít nhất 02 thương hiệu sản phẩm chăn nuôi đặc trưng trên địa bàn tỉnh.

g) 100% trang trại chăn nuôi được quản lý, giám sát dịch bệnh, ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Chất thải của các cơ sở chăn nuôi đảm bảo phải được xử lý trước khi thải ra môi trường.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về đổi mới tổ chức sản xuất chăn nuôi

- Cơ cấu lại vùng chăn nuôi theo hướng:

+ Phát triển chăn nuôi lợn ngoại, lợn lai tại các huyện Hòa An, Quảng Hòa và thành phố Cao Bằng. Phát triển, cải tạo chất lượng đàn lợn đen, giống lợn bản địa tại các huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm.

+ Phát triển chăn nuôi gia cầm theo quy mô trang trại tại các huyện Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh và Thành phố.

+ Phát triển đàn chăn nuôi trâu tại các huyện Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Hà Quảng, Thạch An.

+ Phát triển chăn nuôi đàn bò tại các huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Quảng Hòa, Hòa An.

- Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, từng bước kiểm soát, liên kết các cơ sở chăn nuôi nông hộ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng quy mô tạo ra số lượng sản phẩm lớn, tạo sự ổn định cho đầu ra sản phẩm.

- Tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi. Khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi hoặc giữa các thành viên hợp tác xã để hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm lợn an toàn tại các huyện Hà Quảng, Hòa An, Trùng Khánh, Quảng Hòa.

- Chú trọng phát triển các loại vật nuôi đặc trưng, đặc sản tại các vùng có tiềm năng và lợi thế như đẩy mạnh sản xuất, nhân giống và chăn nuôi vịt cỏ Trùng Khánh nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

[...]