Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 197/KH-UBND năm 2021 về phòng thủ dân sự về ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Số hiệu 197/KH-UBND
Ngày ban hành 27/08/2021
Ngày có hiệu lực 27/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 197/KH-UBND

Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG THỦ DÂN SỰ VỀ ỨNG PHÓ THẢM HỌA CHÁY LỚN NHÀ CAO TẦNG, KHU ĐÔ THỊ, KHU CÔNG NGHIỆP, KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự; căn cứ Kế hoạch số 248/KH-BCA-C07 ngày 29/6/2021 của Bộ Công an về Phòng thủ dân sự về ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư. Để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng phương án ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Phòng thủ dân sự về ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn Thành phố như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự và ứng phó thảm họa cháy lớn.

- Chủ động việc huy động tối đa lực lượng, phương tiện trên địa bàn để tham gia ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

- Thống nhất cơ chế điều hành, chỉ huy, chế độ thông tin liên lạc, báo cáo; phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị và các lực lượng liên quan trong hoạt động ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

2. Yêu cầu

- Thường xuyên chủ động nắm tình hình, kịp thời cập nhật thông tin dự báo về thiên tai, thảm họa, các khu vực chịu ảnh hưởng và có thể bị tác động gây cháy lớn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), rà soát phương án, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

- Phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” trong hoạt động ứng phó thảm họa, chuẩn bị các điều kiện nhằm bảo đảm thống nhất về công tác chỉ huy trong mọi tình huống và đáp ứng yêu cầu huy động các lực lượng, phương tiện phù hợp với mục tiêu “lực lượng tại chỗ tiếp cận ứng phó nhanh, các lực lượng xung quanh chi viện kịp thời”. Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy, Ban Tham mưu phải được thành lập kịp thời để thống nhất chỉ đạo, chỉ huy điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng tham gia đảm bảo nhanh chóng, chính xác.

- Hoạt động ứng phó thảm họa cháy lớn phải tập trung cho việc cứu người, tổ chức hướng dẫn thoát nạn trong khu vực xảy ra thảm họa ra nơi an toàn; bảo đảm chữa trị, ăn ở sinh hoạt tạm thời; khẩn trương phát hiện và ngăn chặn nhanh nhất nguy cơ cháy lan rộng, phát tán nhiều chất độc hại, khả năng nổ, sập đổ công trình,...

- Bảo đảm thông tin liên lạc luôn thông suốt trong quá trình thường trực, nhận và xử lý thông tin; báo cáo, cập nhật tình hình kịp thời cho cấp có thẩm quyền theo quy định khi xảy ra thảm họa cháy lớn; bảo đảm hậu cần phục vụ cho các lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, CNCH; huy động tối đa nguồn lực, phương tiện, thiết bị chuyên dụng để phục vụ công tác chữa cháy và CNCH; kịp thời điều tra nguyên nhân, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa đối tượng gây cháy, nổ (nếu có) và khắc phục hậu quả thảm họa cháy lớn.

- Thường xuyên tổ chức tập huấn, huấn luyện nâng cao nhận thức và khả năng thường trực sẵn sàng ứng phó, thống nhất về cơ chế chỉ huy điều hành, phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng và khả năng huy động ở mức cao nhất; chú trọng công tác diễn tập, thực tập phương án ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn Thành phố.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm về văn hóa, khoa học, kinh tế, giáo dục và giao lưu quốc tế, nơi tập trung các cơ quan của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế. Với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và mật độ dân số tăng nhanh, các khu đô thị, tổ hợp nhà cao tầng, siêu cao tầng, công trình hiện đại, đa năng, khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ,... tiếp tục được xây dựng và phát triển, kèm theo là nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất ngày càng lớn; bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều công trình cũ, xuống cấp dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn với mức độ nghiêm trọng, phức tạp, có thể vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trên địa bàn Thành phố.

2. Dự báo thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên địa bàn Thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận quần chúng nhân dân về công tác PCCC và CNCH còn chủ quan, thiếu cảnh giác, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác chữa cháy và CNCH như giao thông, nguồn nước còn những hạn chế nhất định sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức cứu chữa các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, đặc biệt đối với các loại hình nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

3. Theo kết quả điều tra, khảo sát, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có:

- Nhà cao tầng: 1.437 công trình nhà cao tầng gồm các loại hình nhà chung cư, nhà hỗn hợp, trụ sở cơ quan, văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, trong đó có 94 công trình cao trên 100m. Một số tòa nhà, khu cao tầng điển hình: Tòa nhà Lotte (Ba Đình), tòa nhà Keangnam (Nam Từ Liêm), khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai), khu đô thị Times City (Hai Bà Trưng), khu đô thị Royal City (Thanh Xuân).

- Khu dân cư: 5.311 khu dân cư, trong đó có 438 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Một số khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao: Khu dân cư tại các phố cổ như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Bồ, Hàng Hòm...(Hoàn Kiếm), các khu tập thể cũ, quy mô lớn với hàng nghìn hộ dân sinh sống như: Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Giảng Võ, Thành Công (Ba Đình), Kim Liên, Văn Chương (Đống Đa), Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng), Tân Mai (Hoàng Mai).

- Khu công nghiệp: 09 khu công nghiệp, 01 khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp. Một số khu công nghiệp lớn: Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh), khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, khu công nghiệp Nam Thăng Long (Bắc Từ Liêm), khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh), khu công nghiệp Nội Bài (Sóc Sơn).

III. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Chủ động tuyên truyền, phòng ngừa thảm họa cháy lớn

1.1. Kịp thời tuyên truyền vận động, cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra cháy lớn cho quần chúng nhân dân, những người làm việc trong các cơ sở nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu đô thị và khu dân cư biết để chủ động tham gia công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn và tích cực tham gia ứng phó khi cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.

1.2. Thực hiện nghiêm công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu đô thị và khu dân cư khi xây dựng hoặc cải tạo mới; thực hiện đầy đủ chế độ kiểm tra toàn diện các điều kiện an toàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp giải quyết những vấn đề nổi lên gây mất an toàn về PCCC và CNCH hoặc gây khó khăn cho công tác chữa cháy và CNCH, nhất là các nguy cơ có thể dẫn đến thảm họa cháy lớn.

2. Xác định mức độ thảm họa cháy lớn để phân cấp ứng phó

2.1. Mức độ thảm họa

Căn cứ nguyên nhân dẫn đến thảm họa cháy lớn do chiến tranh hoặc do tự nhiên tác động (động đất, sét đánh, bão lớn...) hay sự cố kỹ thuật, con người gây ra cần dự báo, xác định mức độ thảm họa như sau:

[...]