Kế hoạch 253/KH-UBND năm 2023 triển khai Nghị quyết 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 253/KH-UBND
Ngày ban hành 27/11/2023
Ngày có hiệu lực 27/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Mạnh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 253/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 27 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 93/NQ-CP NGÀY 05/7/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ, THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2023-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ). Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phổ biến, quán triệt và chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030.

2. Việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ phải cụ thể bằng việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về hội nhập kinh tế quốc tế tại địa phương; bám sát các nội dung trong nghị quyết và phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo khả thi, hiệu quả.

3. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu, các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó trọng tâm là đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc; kinh tế phát triển xanh, năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; nhanh chóng phục hồi kinh tế; chủ động hội nhập quốc tế nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được thành kết quả cụ thể trong việc tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; nâng cao khả năng hấp thụ khoa học công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển kinh tế, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

- Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển của tỉnh so với các tỉnh trong cả nước.

- Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp,... trong quá trình thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt các cam kết trong các FTA.

- Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài; tăng khả năng ứng phó và xử lý linh hoạt hiệu quả trước các diễn biến trên thế giới có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu, giao dịch thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Đồng thời, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm của Tuyên Quang; tạo điều kiện, môi trường để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc.

- Nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; tận dụng tối đa pháp luật quốc tế trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là trong giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh.

- Đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng.

- Chủ động, tích cực tham gia hội nhập kinh tế số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số theo Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 19/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng vào khai thác hiệu quả các FTA nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện thể chế kinh tế, tăng cường quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế

- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 344-KH/TU ngày 23/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt với các FTA thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra. Tận dụng tối đa không gian, chính sách mà Việt Nam được phép trong các cam kết để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh của tỉnh Tuyên Quang.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, hiệu quả nhằm duy trì môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định. Tập trung kiến nghị khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuế, đầu tư, thương mại, môi trường, quản lý thị trường nhằm giải phóng các nguồn lực cho phát triển, đảm bảo hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.

- Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, tài sản trí tuệ, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý tiên tiến, hiện đại trên thế giới.

- Phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các đại sứ quán, thương vụ Việt Nam, các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội doanh nghiệp, các cục, vụ của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan nhằm ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các diễn biến bất lợi trong thương mại - đầu tư quốc tế có thể gây ra thiệt hại cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.

- Phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc hoàn thiện thể chế và xử lý các vụ việc về hội nhập, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, lao động,… phù hợp với các cam kết FTA thế hệ mới và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế của tỉnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

[...]