Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 866/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 866/KH-UBND
Ngày ban hành 09/10/2023
Ngày có hiệu lực 09/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Phước
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 866/KH-UBND

An Giang, ngày 09 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ, THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2023 – 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Căn cứ nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2023 c ủa Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, kế hoạch, giải pháp liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường tính chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về công tác hội nhập quốc tế và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

- Tận dụng tốt cơ hội và giảm thiểu các thách thức, tác động tiêu cực mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Đồng thời, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh.

- Nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của pháp luật và các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta; chủ động, tích cực khai thác và tận dụng tối đa lợi ích trong hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng.

- Tham gia xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện về chính sách thương mại của tỉnh phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Nâng cao trách nhiệm, trình độ, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhận thức của người dân nhằm đạt được những kết quả cụ thể trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế quốc tế.

2. Yêu cầu

- Các nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế đề ra phải toàn diện, sâu sát, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, có tính dự báo nhằm mang lại hiệu quả thực chất.

- Công tác hội nhập kinh tế quốc tế phải có sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên, liên tục các cơ quan Sở, Ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

- Nâng cao tính chủ động, tích cực của các thành viên Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh, các ngành, các cấp trong tỉnh nhằm xây dựng kế hoạch cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, có thời hạn hoàn thành tổ chức thực hiện và báo cáo kịp thời; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo sự chuyển biến rõ nét trong từng ngành và lĩnh vực.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao, các Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện , thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đầy đủ, toàn diện, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế

a) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách tại địa phương để thực hiện đầy đủ, tương thích với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt với các FTA thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra. Tận dụng tối đa không gian chính sách mà Việt Nam được phép trong các cam kết để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể của Việt Nam.

b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành để chủ động thực hiện hoặc kiến nghị các cơ quan Trung ương sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hay ban hành mới các văn bản pháp luật để thực hiện các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuế, đầu tư, thương mại, môi trường, quản lý thị trường,... nhằm giải phóng các nguồn lực cho phát triển, đảm bảo hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

c) Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế,... và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.

d) Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoặc kiến nghị các cơ quan Trung ương xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát của các lĩnh vực kinh tế - xã hội áp dụng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh m ới/tích hợp để có chính sách quản lý phát triển kịp thời và phù hợp nhằm thúc đẩy kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp. Đảm bảo nguyên tắc minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.

e) Xây dựng và triển khai thực thi các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, tài sản trí tuệ, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý từ các cường quốc trên thế giới; đồng thời chú trọng nâng cao năng lực hội nhập tại địa phương.

g) Thúc đẩy cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp nhằm ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các diễn biến biến bất lợi trong thương mại - đầu tư quốc tế có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

h) Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý tại các Sở, ngành và đơn vị liên quan, doanh nghiệp và người dân tại địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu cần đáp ứng khi thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo sự đồng thuận cao và tham gia hiệu quả vào quá trình hội nhập.

2. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

a) Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách. Đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thực chất hơn để giải quyết triệt để được những vấn đề còn vướng mắc đối với môi trường kinh doanh. Khắc phục tình trạng thiếu kết nối, phối hợp giữa các Sở, ngành và đơn vị liên quan đối với từng lĩnh vực phụ trách. Phân định trách nhiệm rõ ràng đối với các cơ quan, đơn vị chủ trì để doanh nghiệp và người dân biết, giám sát chặt chẽ việc triển khai. Thực hiện thực chất, hiệu quả các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại địa phương phát triển ổn định, tăng năng suất, chất lượng, tạo nền tảng, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

[...]