​Kế hoạch 3360/KH-UBND năm 2023 triển khai Nghị quyết 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 3360/KH-UBND
Ngày ban hành 29/11/2023
Ngày có hiệu lực 29/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Hữu Quế
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3360/KH-UBND

Gia Lai, ngày 29 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 93/NQ-CP NGÀY 05/7/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ, THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2023-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 (viết tắt là Nghị quyết 93/NQ-CP).

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể như sau:

I.MỤC TIÊU

1.Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 93/NQ-CP, chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được thành kết quả cụ thể trong việc tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; nâng cao khả năng hấp thụ khoa học công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển các khu vực kinh tế trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, hiện đại, hội nhập hơn.

2. Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Cải cách hoàn thiện thể chế kinh tế:

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách tại địa phương để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại tự do (viết tắt FTA) thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để chủ động thực hiện hoặc kiến nghị các cơ quan Trung ương sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hay ban hành mới nhằm thực hiện các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

- Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế…, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.

- Xây dựng và triển khai thực thi các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, tài sản trí tuệ, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý từ các cường quốc trên thế giới; đồng thời chú trọng nâng cao năng lực hội nhập tại địa phương.

- Thúc đẩy cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp nhằm ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các diễn biến bất lợi trong thương mại-đầu tư quốc tế có thể gây ra thiệt hại cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

- Tăng cường nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý tại các sở, ngành và đơn vị liên quan, doanh nghiệp và người dân tại địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu cần đáp ứng khi thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo sự đồng thuận cao và tham gia hiệu quả vào quá trình hội nhập.

2. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh:

- Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển; giải quyết triệt để những vấn đề vướng mắc đối với môi trường kinh doanh. Khắc phục tình trạng thiếu kết nối, phối hợp giữa các sở, ngành và đơn vị liên quan đối với từng lĩnh vực phụ trách.

- Tiếp tục xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng thế mạnh tại địa phương gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm thúc đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

- Tích cực triển khai hoặc phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài tại địa phương.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong quản lý nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số theo Quyết định số 749/QĐ- TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện tốt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Thực thi hiệu quả các FTA:

- Rà soát, khắc phục sự chồng chéo giữa các sở, ngành và đơn vị liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế; xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược, đề án, chương trình hành động phát triển kinh tế có liên quan và tác động đến nhiều sở, ngành và đơn vị liên quan.

- Tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong các FTA; nhất là kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP, tăng cường tận dụng ưu đãi trong các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường.

- Tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu cho các ngành hàng và doanh nghiệp; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt lợi ích từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới.

- Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến về các FTA. Phối hợp với Bộ Công Thương tiếp nhận, vận hành, nâng cấp và phát triển Cổng thông tin điện tử Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) nhằm kết nối doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện các FTA.

4. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 và phát triển bền vững:

- Chú trọng xây dựng các kịch bản ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trong thời gian tới.

Tiến hành các biện pháp nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.

[...]