Kế hoạch 193/KH-UBND năm 2022 về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 193/KH-UBND
Ngày ban hành 26/07/2022
Ngày có hiệu lực 26/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Lê Duy Thành
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 193/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 26 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI SỐ, PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ, KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính về phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia;

Căn cứ Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 16/5/2022 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; các chỉ tiêu đạt được phải cao hơn mục tiêu chung của cả nước, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Vĩnh Phúc vào nhóm 15 các tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số.

2. Phát triển hạ tầng số, dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để kịp thời đưa ra các quyết sách trong hoạt động quản lý nhà nước . Sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế .

3. Tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.

4. Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh (PDTI) của tỉnh Vĩnh Phúc.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo nền tảng, cơ sở cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đến năm 2025, xây dựng, hoàn thiện các nền tảng số để chính quyền số vận hành đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trên môi trường thực - số; hình thành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số để kinh tế số đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh; thúc đẩy xã hội số thông qua việc người dân được trang bị đầy đủ kỹ năng số, tham gia vào quá trình phát triển dữ liệu số, tạo ra giá trị gia tăng trên môi trường thực - số, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đến năm 2030, chính quyền số hoạt động hiệu lực, hiệu quả với việc ra quyết định quản lý dựa trên dữ liệu số và hệ thống dịch vụ số; kinh tế số và xã hội số phát triển nhanh, bền vững.

2. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025

2.1. Xây dựng chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động

2.1.1. Cung cấp dịch vụ công

- 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 , trên các phương tiện và các nền tảng số.

- 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp. Khi sử dụng dịch vụ công, người dân chỉ phải nhập một lần đối với các dữ liệu cơ quan nhà nước chưa hình thành cơ sở dữ liệu số .

- Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến.

- Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

2.1.2. Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội

- 100% cơ quan nhà nước của tỉnh tham gia cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

- Tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước.

- 100% dịch vụ công của tỉnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khả năng tương tác thuận tiện, trực tuyến với cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ dựa trên các nền tảng công nghệ số.

[...]