Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn năm 2023

Số hiệu 177/KH-UBND
Ngày ban hành 08/08/2022
Ngày có hiệu lực 08/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 177/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 08 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2023

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Công văn số 5032/BKHĐT-TH ngày 22/7/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ ƯỚC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022

1. Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Nghị quyết HĐND về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trên tinh thần phát huy những kết quả đã đạt được năm 2021, khắc phục những khó khăn, hạn chế, với quyết tâm bứt phá, thực hiện đạt và vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; Kế hoạch thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; kế hoạch Phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian 02 năm (2022 - 2023) theo Nghị quyết số 38/NQ-CP. Xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai đầy đủ các Nghị quyết khác của Chính phủ về phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội năm 2022. Tiếp tục thực hiện tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức theo chủ đề năm 2022 của UBND tỉnh xác định là: “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”.

2. Việc thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội theo các Chương trình của Chính phủ: Chương trình phòng, chống COVID-19; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Với những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, bước sang năm 2022, UBND tỉnh tiếp tục nhận định, đánh giá về tình hình đại dịch COVID-19 có thể sẽ lây lan mạnh trên địa bàn tỉnh khi xuất hiện chủng mới có tốc độ lây nhanh hơn nhiều lần so với chủng cũ. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động ban hành và tổ chức thực hiện ngay kế hoạch triển khai các Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian 02 năm (2022 - 2023). Tại các kế hoạch, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực để tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất, đạt hiệu quả cao; yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện chế độ báo cáo tháng để nâng cao tinh thần trách nhiệm và đánh giá được hiệu quả triển khai các Chương trình. Với những nỗ lực, chủ động, linh hoạt của UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, thực hiện đạt mục tiêu"Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Lạng Sơn là một trong những tỉnh tổ chức tiêm nhanh và có độ bao phủ vắc xin cao so với cả nước. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 được triển khai quyết liệt, cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra. Kinh tế tiếp tục phát triển, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục ổn định; hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ sôi động trở lại, tiếp tục tăng trưởng; các nhiệm vụ chuyển đổi số được triển khai tích cực và toàn diện; thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản trị và hành chính công, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt kết quả tích cực, thứ hạng được cải thiện mạnh mẽ; văn hóa, xã hội được quan tâm, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

3. Về phát triển kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 6,51% so với cùng kỳ, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,3%, công nghiệp và xây dựng tăng 11,31%, dịch vụ tăng 6,06%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,18%.

a) Sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới:

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của nhiều dạng hình thái thiên tai nhưng sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 cơ bản vẫn ổn định. Tổng diện tích gieo trồng ước thực hiện 48.427,8 ha, đạt 98,5% kế hoạch, bằng 99% cùng kỳ. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, trong đó đàn lợn tăng cao so với cùng kỳ do người chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh tái đàn. Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm, kiểm soát chặt chẽ; nguồn giống, vật tư cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất, tuy nhiên giá cả vật tư nông nghiệp tăng so với cùng kỳ. Tổng diện tích trồng rừng tập trung ước thực hiện 6.000 ha, đạt 66,7% kế hoạch. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 96,5%. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022. Quyết định tạm ứng 100 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho 10 huyện để thực hiện các dự án xây dựng nông thôn mới năm 2022.Số tiêu chí bình quân đạt 14,03 tiêu chí/xã.

b) Phát triển kinh tế cửa khẩu:

Tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất kinh doanh tại khu vực cửa khẩu. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, giảm mạnh so với cùng kỳ, do phía Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách "Zero COVID", liên tục thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là khu vực biên giới và các cửa khẩu. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cùng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Từ tháng 5/2022, năng lực thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao so với thời gian trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn 1.200 triệu USD, đạt 21,8% kế hoạch, giảm 38,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 425 triệu USD, đạt 19,9% kế hoạch, giảm 38,4%, nhập khẩu 775 triệu USD, đạt 23,1% kế hoạch, giảm 39%. Hàng địa phương xuất khẩu 58 triệu USD, đạt 40,8% kế hoạch, giảm 4,9% so với cùng kỳ.

c) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và công tác lập quy hoạch tỉnh:

Lĩnh vực đầu tư xây dựng được tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ ngay từ đầu năm. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh là 3.340,71 tỷ đồng (trong đó giao từ đầu năm chưa bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là 2.498,38 tỷ đồng; giao vốn đầu tư công thực hiện chương trình MTQG 842,33 tỷ đồng). Giá trị khối lượng thực hiện các dự án 1.035,8 tỷ đồng, đạt 41,5% kế hoạch. Kết quả giải ngân đến hết ngày 30/6/2022 là 648,6 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch, trong đó ngân sách Trung ương 249,7 tỷ đồng, đạt 20,3% kế hoạch; ngân sách địa phương 398,9 tỷ đồng, đạt 31,5% kế hoạch. Xây dựng đường giao thông nông thôn được 93,96 km mặt đường bê tông xi măng, mở mới nền đường 3,62 km; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 90,6%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 71,04%.

Công tác lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện theo kế hoạch. Đã hoàn thành dự thảo Báo cáo định hướng Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo bước 1), trình xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tổng hợp, xây dựng báo cáo thuyết minh Quy hoạch tỉnh theo kế hoạch. Tiếp tục công tác lập Quy hoạch phân khu phía Nam thành phố Lạng Sơn; Quy hoạch phân khu trung tâm Logistics quốc tế Lạng Sơn; lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thành phố Lạng Sơn đến năm 2025... Thực hiện điều chỉnh cục bộ các Quy hoạch không còn phù hợp để triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

d) Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch:

Sản xuất công nghiệp cơ bản ổn định và tăng trưởng, tính chung 6 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,86% so với cùng kỳ. Hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục báo cáo Bộ kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hữu Lũng. Đã ban hành quyết định thành lập Cụm công nghiệp Bắc Sơn. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trình Bộ Công Thương xem xét, bổ sung 11 dự án điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi, diễn ra sôi động so với cùng kỳ, công tác bình ổn giá được thực hiện tốt, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11.998 tỷ đồng, đạt 53,97% kế hoạch, tăng 11,56% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động tại các ngân hàng thương mại đến 30/6/2022 ước đạt 34.945 tỷ đồng, tăng 4,5% so với 31/12/2021; tổng dư nợ tín dụng đạt 38.850 tỷ đồng, tăng 3,5%. Doanh thu dịch vụ vận tải đạt 881,27 tỷ đồng, tăng 9,2%. Doanh thu bưu chính đạt 100 tỷ, tăng 2%, doanh thu viễn thông đạt 480 tỷ, tăng 3,2%.

Trong 6 tháng đầu năm thu hút 2,22 triệu lượt khách du lịch, đạt 65,5% kế hoạch, tăng 101,5% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch 881tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch, tăng 43%. Đã tổ chức khởi công, triển khai dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn. Triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn; tiếp tục chuẩn bị các nội dung liên quan đến xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu.

đ) Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư:

Triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư; thực hiện có hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19. Đăng ký thành lập mới 250 doanh nghiệp, đạt 50% kế hoạch, tương đương cùng kỳ, với số vốn đăng ký 3.637 tỷ đồng, tăng 73%. Lũy kế toàn tỉnh có 3.651 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 36.550 tỷ đồng. Đã thành lập mới 21 hợp tác xã (HTX) với tổng số vốn đăng ký 45,178 tỷ đồng; có 02 HTX giải thể. Hiện nay toàn tỉnh có 412 HTX, tổng số vốn đăng ký 1.008 tỷ đồng, 02 liên hiệp HTX, vốn đăng ký 2,8 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đã chấp thuận chủ chương đầu tư 08 dự án, tổng vốn đăng ký 938,9 tỷ đồng; điều chỉnh 09 dự án, tổng vốn giảm 175,85 tỷ đồng; chấm dứt hoạt động 01 dự án.

e) Quản lý, điều hành ngân sách nhà nước:

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt 3.501,5tỷ đồng, đạt 44,6% dự toán tỉnh giao, giảm 39,4% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 1.229,4 tỷ đồng, đạt 52,3% dự toán, giảm 16,6% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.270,1 tỷ đồng, đạt 41,3% dự toán, giảm 47,2% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 4.087,2 tỷ đồng, đạt 37,2% dự toán tỉnh giao, giảm 5% so với cùng kỳ, trong đó chi cân đối ngân sách địa phương 3.790,4 tỷ đồng, đạt 39,2% dự toán, giảm2,3%; chi các chương trình mục tiêu quốc gia và một số chương trình, dự án, nhiệm vụ khác 296,8 tỷ đồng, đạt 22,5% dự toán tỉnh giao, giảm 31%.

[...]