Thông báo 50/2016/TB-LPQT hiệu lực của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu và các quốc gia thành viên Liên minh

Số hiệu 50/2016/TB-LPQT
Ngày ban hành 29/05/2015
Ngày có hiệu lực 05/10/2016
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,Liên minh Kinh tế Á - Âu và các quốc gia thành viên Liên minh
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại

BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2016/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2016

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định thương mại tự do giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu và các quốc gia thành viên Liên minh, ký tại Bu-ra-bai ngày 29 tháng 5 năm 2015 có hiệu lực từ ngày 05 tháng 10 năm 2016.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

Burabay, Ngày 29 tháng 05 năm 2015

 

NGHỊ ĐỊNH THƯ SỐ 1

GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN BANG NGA VỀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO
GIỮA MỘT BÊN LÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ BÊN KIA LÀ LIÊN MINH KINH TẾ Á-ÂU VÀ CÁC QUỐC GIA THÀNH VIÊN

Về việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa một Bên là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bên kia là Liên minh Kinh tế Á-Âu và các quốc gia thành viên (sau đây được gọi là “Hiệp định”), nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga đã nhất trí thực hiện các cam kết về dịch vụ, thành lập, hiện diện thương mại, hoạt động và di chuyển thể nhân được quy định tại Chương 8 (Thương mại dịch vụ, Đầu tư và Di chuyển Thể nhân) của Hiệp định này theo Phụ lục 1 (Danh mục loại trừ MFN theo Điều 8.15 và 8.22 của Hiệp định này), Phụ lục 2 (Biểu cam kết cụ thể theo Phần II (Thương mại dịch vụ)), Phụ lục 3 (Danh mục bảo lưu theo Phần III (Thành lập, hiện diện thương mại và hoạt động)) và Phụ lục 4 (Biểu cam kết cụ thể theo Phần IV (Di chuyển thể nhân)) kèm theo Nghị định thư này.

Nghị định thư này, bao gồm các Phụ lục kèm theo, là một phần không thể tách rời của Hiệp định.

Được làm tại Burabay, ngày 29 tháng 5 năm 2015, thành hai bản bằng Tiếng Anh. Hai bản này có giá trị như nhau.

 

Thay mặt nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Thay mặt Liên bang Nga

 

NGHỊ ĐỊNH THƯ SỐ 2

GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN BANG NGA VỀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO
GIỮA MỘT BÊN LÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ BÊN KIA LÀ LIÊN MINH KINH TẾ Á-ÂU VÀ CÁC QUỐC GIA THÀNH VIÊN

Về việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa một Bên là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bên kia là Liên minh Kinh tế Á-Âu và các quốc gia thành viên (sau đây được gọi là “Hiệp định”), nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (sau đây được gọi là “các Bên trong Nghị định thư này”) đã nhất trí như sau:

Trong trường hợp có xung đột giữa một quy định của Hiệp định này và một quy định tại Hiệp định WTO về việc thực hiện Hiệp định giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, quy định tại Hiệp định WTO sẽ được áp dụng cho xung đột đó.

Ngoài ra, trừ trường hợp được quy định tại Điều 1.4 (Ủy ban Hỗn hợp), Điều 1.5 (Chức năng của Ủy ban Hỗn hợp), Điều 1.6 (Dự án đầu tư ưu tiên), Điều 1.7 (Đầu mối liên lạc), Điều 2.10 (Các biện pháp phòng vệ theo ngưỡng), Điều 2.12 (Ủy ban về Thương mại hàng hóa), Điều 3.4 (Các biện pháp tự vệ song phương), Điều 3.5 (Thông báo), Chương 4 (Quy tắc xuất xứ), Điều 5.6 (Hợp tác hải quan), Điều 5.7 (Trao đổi thông tin), Điều 6.7.(Tham vấn), Điều 6.8 (Hợp tác), Điều 6.9 (Các cơ quan có thẩm quyền và mối liên lạc), Điều 7.10 (Các điểm liên hệ và trao đổi thông tin), Điều 7.11 (Hợp tác), Điều 7.12 (Tham vấn), Điều 8.6 (Đầu mối liên lạc), Điều 8.7 (Từ chối lợi ích), Điều 8.9 (Gia nhập), Điều 8.10 (Sửa đổi), Điều 8.11 (Tham vấn), Điều 8.12 (Giải quyết tranh chấp giữa các Bên), Phần III (Thành lập, Hiện diện thương mại và Hoạt động), Phần V (Đầu tư) trong Chương 8 (Thương mại Dịch vụ, Đầu tư và Di chuyển thể nhân), Chương 9 (Sở hữu trí tuệ), Chương 13 (Công nghệ điện tử trong thương mại), Chương 14 (Giải quyết tranh chấp), Chương 15 (Các điều khoản cuối cùng) của Hiệp định này, nếu bất cứ một vấn đề được quy định tại Hiệp định này mà không được quy định tại Hiệp định WTO, thì không Hiệp định nào được áp dụng.

Các quy định của Hiệp định này không nhằm xác lập và không xác lập bất cứ quyền, lợi ích, lợi thế, đặc quyền hay quyền miễn trừ nào cho các quốc gia không phải là các Bên tham gia Hiệp định, các thể nhân/pháp nhân của các quốc gia đó hoặc hàng hóa, dịch vụ hay đầu tư của các thể nhân/pháp nhân đó, hoặc nghĩa vụ của các Bên trong Nghị định thư này đối với các quyền nói trên.

Để rõ nghĩa hơn, Nghị định thư này không ngăn cản các Bên trong Nghị định thư hưởng lợi ích từ các cam kết đưa ra ở Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan) và Nghị định thư số 1 kèm theo Nghị định này.

Nghị định thư này là một phần không thể tách rời của Hiệp định. Các Điều Khoản của Chương 14 (Giải quyết tranh chấp) của Hiệp định này áp dụng nhằm giải quyết các tranh chấp giữa các Bên trong Nghị định thư này liên quan đến vấn đề về cách hiểu hoặc áp dụng Nghị định thư này với các sửa đổi quy định tại Khoản 2 Điều 8.12 của Hiệp định này, với những sửa đổi cần thiết.

Được làm tại Burabay, ngày 29 tháng 5 năm 2015, thành hai bản bằng Tiếng Anh. Hai bản này có giá trị như nhau.

 

[...]