Kế hoạch 188/KH-UBND thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2023

Số hiệu 188/KH-UBND
Ngày ban hành 10/07/2023
Ngày có hiệu lực 10/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 188/KH-UBND

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2023

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Chương trình công tác số 01/CT-UBND ngày 10/01/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố năm 2023; Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023; UBND Thành phố ban hành “Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023” (sau đây gọi chung là Chương trình) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

- Góp phần đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô về các mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa bão, những ngày lễ, tháng cuối năm 2023, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và các thời điểm dịch bệnh bất thường xảy ra.

- Khuyến khích đẩy mạnh đầu tư, phát triển, đa dạng hóa mạng lưới phân phối nhằm đảm bảo hàng hóa trong Chương trình đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, trực tiếp; đặc biệt là tại các quận, huyện vùng ven, khu vực ngoại thành, khu công nghiệp (KCN), các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố.

- Tạo điều kiện cho các cơ sở/ đơn vị sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở) tham gia Chương trình tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng. Mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

- Tăng cường mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất và giữa sản xuất với phân phối, giúp cơ sở sản xuất chủ động được đầu ra và nguồn hàng, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - chăn nuôi- trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thành phố.

- Tăng cường hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong các hoạt động đầu tư, kết nối giao thương, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN:

1. Xác định nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung cầu tham gia Chương trình:

1.1. Xác định nhóm hàng:

Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013; Thông tư số 233/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 của Bộ Tài chính; Quá trình triển khai thực hiện qua các năm, xác định các nhóm hàng cần tập trung cân đối cung- cầu, ổn định thị trường cần có những tính chất sau:

- Có tính chất thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Thành phố.

- Có tính nhạy cảm về cung cầu, giá cả, nhưng Thành phố khó chủ động về số lượng và nguồn hàng cung ứng một cách ổn định.

- Những mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp lễ, Tết Nguyên đán và đặc biệt cần thiết trong các thời điểm có dịch bệnh, thiên tai xảy ra...

Các nhóm hàng hóa trong Chương trình bao gồm:

- Các nhóm hàng thiết yếu: Lương thực (gạo, mỳ, phở khô...); thịt lợn; thịt gà, vịt; thủy hải sản; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ; đường; dầu ăn; gia vị (nước mắm, nước chấm, muối, mỳ chính...); sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi (sữa nước, sữa bột...).

- Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ như trong dịp Tết Nguyên đán: Mứt Tết, bánh kẹo; rượu, bia, nước giải khát.

1.2. Cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn (tính cho khoảng 10,85 triệu dân):

Căn cứ vào sự thay đổi của xu hướng, thị hiếu của người dân và tháp dinh dưỡng hợp lý cho người trưởng thành giai đoạn 2016-2020 của Viện dinh dưỡng- Bộ Y tế để xác định nhu cầu; báo cáo tình hình kinh tế- xã hội quý IV và năm 2022 của Cục Thống kê Hà Nội để xác định nguồn cung. Cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn Thành phố được xác định như sau:

- Lương thực: Nhu cầu tiêu dùng gạo khoảng 97,65 nghìn tấn/tháng tương đương với 1,17 triệu tấn/năm. Sản lượng sản xuất gạo của Thành phố là 657,3 nghìn tấn/năm (69% sản lượng lúa năm 2022 (952,7 nghìn tấn)). Nguồn cung gạo của Thành phố đáp ứng được khoảng 56% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Lượng gạo còn lại được khai thác từ các tỉnh lân cận thuộc khu vực phía Bắc, một phần khác được khai thác từ các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhập khẩu các loại gạo đặc sản từ nước ngoài (Thái Lan, Nhật Bản...).

- Thịt lợn: Nhu cầu tiêu dùng khoảng 19,5 nghìn tấn lợn hơi/tháng, tương đương với 234,3 nghìn tấn lợn hơi/năm. Sản lượng lợn thịt lợn hơi xuất chuồng trên địa bàn Thành phố là 235,8 nghìn tấn/năm. Nguồn cung thịt lợn của Thành phố đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên để dự phòng cho các trường hợp khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai ảnh hưởng đến nguồn cung, phải khai thác thêm từ các tỉnh lân cận như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên hoặc nhập khẩu từ nước ngoài (Brazin, Ba Lan, Đức...).

- Thịt gà, vịt: Nhu cầu tiêu dùng khoảng 6,5 nghìn tấn thịt/tháng, tương đương với 78,1 nghìn tấn/năm. Sản lượng thịt gia cầm sản xuất được trên địa bàn Thành phố đạt 160,9 nghìn tấn/năm; Sản lượng thịt gà, vịt đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng các sản phẩm có tính đặc sản vùng miền của nhân dân, do dịch bệnh và lưu thông hàng hóa ra bên ngoài địa bàn nên có những thời điểm thị trường bị thiếu hàng cục bộ, phải khai thác thêm tại các tỉnh lân cận và nhập khẩu từ nước ngoài (Ba Lan, Brazin, Hàn Quốc...).

- Thủy, hải sản tươi, đông lạnh: Nhu cầu tiêu dùng khoảng 5,42 nghìn tấn/tháng tương đương 65,1 nghìn tấn/năm. Sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 123,1 nghìn tấn/năm. Sản lượng thủy sản nước ngọt khai thác được cơ bản đảm bảo cung ứng cho thị trường Hà Nội, tuy nhiên mặt hàng này dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và dịch bệnh, vì vậy rất cần duy trì nguồn hàng thủy, hải sản tươi, đông lạnh nước mặn, nước lợ được cung ứng từ các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu từ nước ngoài (Na Uy, Mỹ, Mexico, Nhật Bản, Úc, Indonesia...).

- Thực phẩm chế biến: Nhu cầu tiêu dùng khoảng 5,42 nghìn tấn/tháng, tương đương với 65,1 nghìn tấn/năm. Sản lượng sản xuất thực phẩm chế biến của Thành phố trung bình là 11,1 nghìn tấn/năm. Lượng hàng hóa còn thiếu khai thác từ các tỉnh, thành phố khác nơi đặt các nhà máy chế biến lớn và nhập khẩu từ nước ngoài (Nhật Bản, Đức...).

- Dầu ăn: Nhu cầu tiêu dùng khoảng 6,51 triệu lít/tháng, tương đương 78,1 triệu lít/năm. Mặt hàng dầu ăn hầu hết được cung cấp từ các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu từ nước ngoài (Indonesia, Maylaysia, Thái lan, Brazil...).

- Rau, củ: Nhu cầu tiêu dùng rau, củ các loại khoảng 108,5 nghìn tấn/tháng, tương đương 1,3 triệu tấn/năm. Sản lượng rau, củ Thành phố sản xuất đạt 737,2 nghìn tấn/năm, đáp ứng được khoảng 56% nhu cầu, còn lại được cung ứng từ các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc và một số tỉnh phía Nam (Lâm Đồng...).

[...]