Kế hoạch 187/KH-UBND năm 2021 về Kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường do thành phố Hải Phòng ban hành

Số hiệu 187/KH-UBND
Ngày ban hành 09/08/2021
Ngày có hiệu lực 09/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Anh Quân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 09 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022 VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 03 NĂM 2022-2024 TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thực hiện Công văn số 1933/BTNMT-KHTC ngày 27/4/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của các tnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xây dựng Kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2020 VÀ NĂM 2021

I. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở địa phương năm 2020 và năm 2021

1. Đánh giá thực trạng công tác quản lý môi trường

1.1. Việc thi hành và tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; lồng ghép bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của địa phương

a) Thi hành và tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường:

- Công tác bảo vệ môi trường thành phố trong thời gian qua được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã đi vào nề nếp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; năng lực quản lý nhà nước của các cơ quan bảo vệ môi trường được tăng cường gắn với tiến trình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào công tác xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ, phòng ngừa, kiểm soát có hiệu quả tình hình ô nhiễm môi trường, ưu tiên đổi mới công nghệ; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, từng bước cải thiện nâng cao chất lượng môi trường thành phố và tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư.

- Công tác bảo vệ môi trường đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên trên thực tế chất lượng chưa cao so với yêu cầu đặt ra, chưa phát hiện kịp thời và xử lý được những vụ việc phức tạp, chưa khởi tố các tội phạm có hành vi vi phạm về môi trường. Bên cạnh đó việc áp dụng các văn bản qui phạm pháp luật vào thực tế, việc hướng dẫn nghiệp vụ đôi lúc còn lúng túng, chưa đạt được chiều sâu. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn hạn chế, các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn vi phạm tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý và đấu tranh; nhiều vi phạm có yếu tố nước ngoài làm khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

- Triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 03/6/2021 về thực hiện Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hải Phòng, trong đó đề nghị các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường có liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường theo lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; đồng thời triển khai việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, giai đoạn 2021-2025;

b) Lồng ghép bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của địa phương:

- Nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và khung pháp lý cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, điều chỉnh các qui hoạch, kế hoạch, chương trình dự án phát triển của thành phố, của ngành và địa phương chưa phù hợp, chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường chủ động lồng ghép các chương trình, đề án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của thành phố; Thành phố tiếp tục triển khai các quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch, nhiệm vụ sau:

Về quy hoạch: (1) Quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2025; (2) Đề án quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 2552/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố; (3) Đồ án Quy hoạch cấp nước đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 487/QĐ-UBND ngày 05/3/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt quy hoạch cấp nước thành phố Hải Phòng năm 2025, tầm nhìn đến 2050; (4) Đồ án thoát nước thải thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 27/3/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố; (5) Đồ án quy hoạch nghĩa trang thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2731/QĐ-UBND ngày 07/11/2016; (6) Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 05/12/2014; (7) Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, thể thao và du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1309/QĐ-UBND ngày 30/5/2017; (8) Quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 2016-2020 của thành phố phố theo Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 15/5/2018, trong đó cập nhật nội dung bố trí quỹ đất cho các công trình xử lý rác thải, nước thải, hạ tầng kỹ thuật về môi trường; (9) Đề án điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và hoạt động khoáng sản trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, theo Quyết định số 1805/QĐ-UBND ngày 06/8/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố; (10) Đề án điều chỉnh quy hoạch khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo Quyết định số 1784/QĐ-UBND ngày 04/8/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Về kế hoạch, chương trình: (1) Kế hoạch hành động số 87/KH-UBND ngày 19/3/2020 về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hải Phòng; (2) Quyết định số 3843/QĐ-UBND ngày 22/12/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Phương án quản lý, xử lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; (3) Quyết định số 3913/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường thành phố Hải Phòng giai đoạn năm 2016-2020; (4) Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 30/12/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; (5) Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 23/9/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tuyên truyền về phòng, chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025; (6) Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND ngày 01/01/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Quy chế hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn quận Đồ Sơn; (7) Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 02/10/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về Quy chế quản lý hoạt động du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải để quản lý các hoạt động du lịch theo nguyên tắc giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững; (8) Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 03/6/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 trên địa bàn thành phố Hải Phòng;

- Ngoài ra, thành phố cũng đang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, chương trình trọng tâm về công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khác trên địa bàn thành phố: (1) Đề án Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước (Giai đoạn 1- Tài nguyên nước mặt); (2) Đề án Điều tra cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo Danh mục các nguồn nước đã được phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ: (3) Đề án Khoanh định vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất; (4) Đề án Đánh giá khả năng tiếp nhận của nguồn nước; (5) Đề án Quy hoạch Không gian biển thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; (6) Đề án thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thành phố Hải Phòng; (7) Đề án Điều tra, thống kê, phân loại nguồn thải từ hoạt động trên biển và hải đảo, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020, đề xuất giải pháp khắc phục, xử lý ô nhiễm; (8) Chương trình quan trắc tổng hợp tài nguyên môi trường biển thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2019-2024…

- Trong năm 2020, thành phố tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng thẩm định đánh giá tác động môi trường, thẩm định công nghệ đối với các Dự án đầu tư trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển trên địa bàn thành phố. Trên toàn địa bàn thành phố được cấp, phê duyệt: 209 thủ tục hành chính về môi trường cấp thành phố, cụ thể: Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt: 50 báo cáo đánh giá tác động môi trường; 86 Giấy phép xả thải nước thải vào nguồn nước, trong đó có 09 giấy phép xin gia hạn (Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân thành phố cấp 65 giấy phép, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân thành phố cấp 21 giấy phép). Sở Tài nguyên và Môi trường cấp: 03 Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường; 28 Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; 58 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phê duyệt 40 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sở Khoa học và Công nghệ đã thẩm định công nghệ cho 33 dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, trong đó nâng cao chất lượng thẩm định các nội dung có liên đến mức độ ảnh hưởng của công nghệ áp dụng đối với môi trường, các công nghệ và xử lý ô nhiễm môi trường phát sinh nếu có. Ủy ban nhân dân các quận/huyện xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền 130 hồ sơ, cụ thể: Hồng Bàng (9), Ngô Quyền (21), Kiến An (11), Đồ Sơn (8), Dương Kinh (9), Lê Chân (9), An Lão (05), Vĩnh Bảo (02), Cát Hải (17), Thủy Nguyên (11), An Dương (25), Tiên Lãng (03).

1.2. Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành xây dựng và ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Hiện nay có 25 văn bản quy phạm pháp luật của thành phố có liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành đang còn hiệu lực thi hành (Danh mục văn bản theo Phụ lục 01 gửi kèm theo).

- Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 03/6/2021 về thực hiện Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn thành phố Hải Phòng, trọng đó triển khai việc xây dựng, ban hành 06 văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn thành phố.

1.3. Thông tin, truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường; phối hợp trong công tác quản lý môi trường giữa các cấp, ngành, tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường

a) Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường

- Hàng năm, thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hoạt động truyền thông về môi trường theo chủ đề các ngày Lễ về môi trường trong năm: Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tháng hành động về môi trường; Tuần Lễ Biển và Hải Đảo (1/6-8/6); Ngày Đại dương Thế giới (8/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn vào tháng 9.

- Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tăng cường nội dung tuyên truyền về các chương trình, dự án, đề án về bảo vệ môi trường, tăng cường phát sóng, phát thanh, truyền hình, các tin bài, phóng sự, chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường; Các cơ quan báo chí thành phố, các cơ quan đại diện và phóng viên thường trú trên địa bàn đã tích cực thông tin, tuyên truyền về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, công tác bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn, bảo vệ môi trường tại các làng nghề, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đăng tải thông tin công khai về các cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường và mức xử phạt của từng cơ sở trên địa bàn thành phố. Nội dung chương trình phong phú, đa dạng, cách thức thể hiện đổi mới, sáng tạo có sức tác động mạnh mẽ đế ý thức và hành động của người dân.

b) Phối hợp trong công tác quản lý môi trường giữa các cấp, ngành, tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường

Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành: Quyết định số 2089/2014/QĐ-UBND ngày 02/10/2014 về ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố; Quyết định số 2095/2014/QĐ-UBND ngày 03/10/2014 về ban hành quy chế phối hợp trong chuyển tải hàng hóa, xăng dầu tại Vịnh Lan Hạ; Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND ngày 13/5/2019 ban hành quy chế phối hợp bảo vệ môi trường trong Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát hải và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng nhằm thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các Sở, ngành, đơn vị có liên quan trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên, địa bàn thành phố; nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các Sở, ngành, các đơn vị có liên quan nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững thành phố Hải Phòng.

Kết quả năm 2020: Tổ chức các buổi mít tinh: 05 cuộc; Chương trình tập huấn, phổ biến kiến thức, hội thảo, cuộc thi, bài viết: 1.638 buổi; Phát thanh truyền hình: 2.138 buổi. Treo băng rôn, khẩu hiệu, poster: 149.928 chiếc; số lượt người tham gia: 176.042 lượt người; Tổng lượng rác thu gom, xử lý: 263.755 m3 và 353.588 tấn; Tổng chiều dài cống rãnh được khơi thông: 1.143.351 m; Vệ sinh khu vực công cộng, đường giao thông, bãi biển: 2.181 km và 313.340 ha; số công trình bảo vệ môi trường khởi công, khánh thành, bàn giao: 22 công trình; Vệ sinh giếng nước, công trình xử lý, duy tu, bảo dưỡng: 680 công trình; số cây trồng mới: 129.194 cây trên diện tích 898 ha.

2. Đánh giá tình hình thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

[...]