Chỉ thị 02/CT-UBND về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 do tỉnh Khánh Hòa ban hành

Số hiệu 02/CT-UBND
Ngày ban hành 27/01/2022
Ngày có hiệu lực 27/01/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Lê Hữu Hoàng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Khánh Hòa, ngày 27 tháng 01 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm; theo dự báo, tình hình thế giới, khu vực trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 kéo dài, tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt... ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Vì vậy, việc cân đối ngân sách địa phương năm 2022 đảm bảo cho các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo cho chi chế độ, chính sách, về an sinh xã hội sẽ hết sức khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, chia sẻ, vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2022 đã đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp phải triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022 của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022; Nghị quyết số 131/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, kỳ họp thứ 4 về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương năm 2022; Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Bên cạnh đó, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình tổ chức xây dựng các giải pháp cụ thể để triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2022. Trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ như sau:

1. Tổ chức quản lý thu ngân sách nhà nước

a) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về thuế có hiệu lực thi hành. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương để sửa đổi, bổ sung các Luật Thuế và quy định liên quan đến thu ngân sách nhà nước (NSNN) phù hợp với thực tế phát sinh.

b) Các cơ quan thu trên địa bàn tỉnh chủ động, phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Quản lý các khoản thu trên địa bàn tỉnh đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN và phấn đấu tăng thu so với dự toán được Chính phủ giao và Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

- Thường xuyên nắm tình hình chấp hành pháp luật về thuế của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế để kịp thời đề ra các giải pháp quản lý phù hợp. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan chống thất thu, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế. Kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử. Rà soát và đôn đốc thu vào NSNN khoản thuế đã hết thời gian gia hạn theo quy định; xác định các đối tượng đang được Nhà nước giao đất, thuê đất trên địa bàn, nhất là các dự án hết thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để đôn đốc kịp thời các khoản thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản vào ngân sách nhà nước.

- Tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng thuế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong công tác quản lý thuế, thu nộp ngân sách để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là hình thức thanh toán qua công tác thanh toán trực tuyến.

c) Thực hiện đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp; đôn đốc các doanh nghiệp nhà nước nộp đầy đủ vào NSNN phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định, nộp số thu cổ tức, lợi nhuận chia cho vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên... vào NSNN.

2. Tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách địa phương

a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chấp hành nghiêm kỷ luật, quy định về tài chính - NSNN, tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN. Thực hiện chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, hạn chế tối đa việc đề xuất ứng trước dự toán. Tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài không cần thiết.

- Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở để nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong công tác kiểm soát dịch bệnh và điều trị.

- Đối với các nguồn thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể như thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, căn cứ dự toán đã được giao và tiến độ thực hiện thực tế, trường hợp dự kiến giảm thu so với dự toán, đồng thời không thể bù đắp từ các nguồn tăng thu khác thì chủ động rà soát, cắt giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện các công trình, dự án được bố trí từ nguồn này.

- Số thu từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính (trừ lĩnh vực xử phạt an toàn giao thông) để lại chi cho hoạt động xử phạt (bao gồm trang bị, mua sắm phương tiện xử phạt, xe ô tô chuyên dùng).

- Trường hợp đơn vị dự toán cấp I, ngân sách cấp dưới được cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán thực hiện nhiệm vụ phát sinh, chậm nhất 10 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được quyết định giao dự toán bổ sung), phải hoàn thành việc phân bổ và giao dự toán theo quy định của Luật NSNN.

- Trong năm chủ động rà soát dự toán được giao, đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh giữa các nhiệm vụ chi đảm bảo sử dụng ngân sách hiệu quả. Thường xuyên rà soát, đối chiếu giữa số đối tượng được giao dự toán với số đối tượng thực tế, báo cáo, đề xuất cơ quan tài chính các cấp để kịp thời điều chỉnh, bổ sung.

- Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Tổ chức việc rà soát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện sắp xếp lại, xử lý xe ô tô, máy móc, thiết bị bảo đảm theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, về đất đai.

- Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, phân bổ ngân sách để thực hiện chuyển đổi số đảm bảo xây dựng nền hành chính hiện đại, kết nối thông suốt, đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý chi NSNN.

- Đối với nhu cầu bổ sung ngoài dự toán năm 2022, đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tổng hợp nhu cầu bổ sung gửi Sở Tài chính để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh theo 02 đợt: Đợt 01 trước ngày 05 tháng 5 năm 2022 và đợt 02 vào ngày 05 tháng 10 năm 2022 (trừ những trường hợp cấp bách, cấp thiết không thể trì hoãn). Sau thời gian nêu trên các đơn vị, địa phương không gửi văn bản đến Sở Tài chính các cấp, xem như không có nhu cầu kinh phí phát sinh ngoài dự toán.

Riêng đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện một số nội dung như sau:

+ Đối với số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp tỉnh năm 2021, chỉ đạo rà soát, xác định số thừa/thiếu so với nhiệm vụ chi, thực hiện việc chuyển nguồn theo quy định của Luật NSNN hoặc nộp trả ngân sách cấp tỉnh nếu hết nhiệm vụ chi.

+ Căn cứ khả năng nguồn thu và nhiệm vụ chi theo dự toán đã giao, hàng quý xây dựng phương án điều hành ngân sách gửi Kho bạc Nhà nước cùng cấp. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị hoàn trả các khoản ứng trước dự toán đúng thời gian quy định.

+ Quản lý chặt chẽ và hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán ngân sách năm sau, các nội dung chuyển nguồn sang năm sau thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ.

b) Năm 2022 vẫn thực hiện mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương hiện có để thực hiện. Các địa phương thực hiện tạo nguồn để tích lũy thực hiện cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2022-2025, gồm:

- 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2021 thực hiện so với dự toán (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết; tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã; thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải) được Thủ tướng Chính phủ giao.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ