Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2021 tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Số hiệu 12/CT-UBND
Ngày ban hành 16/04/2021
Ngày có hiệu lực 16/04/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Anh Quân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Hải Phòng, ngày 16 tháng 4 năm 2021

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Trong thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng về cả quy mô, mức độ, đặc biệt tại các thành phố lớn gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội và sức khỏe của người dân. Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; tỷ lệ cây xanh, mặt nước trong quá trình phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ hiệu quả.

Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe của người dân và phát triển kinh tế xã hội của thành phố theo hướng phát triển bền vững, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:

1. Các Sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận/huyện và các đơn vị liên quan

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2740/QĐ-UBND ngày 07/11/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về Kế hoạch hành động quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với mục tiêu tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh, nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, cùng các cơ quan, địa phương liên quan thực hiện việc đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng, đề xuất tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện trong tháng 6/2021;  

- Đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn thành phố; tiếp tục hoàn thiện các trình tự, thủ tục thực hiện Dự án Trung tâm Điều khiển tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường và lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động giai đoạn I; thường xuyên tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí định kỳ trên địa bàn; cập nhật, cung cấp thông tin về chất lượng không khí trên địa bàn cho nhân dân và kịp thời cảnh báo khu vực ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố;

- Chủ trì xây dựng phương án, biện pháp ứng phó trong trường hợp không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn thành phố; thực hiện công tác kiểm kê nguồn khí thải, quan trắc, đánh giá về ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5), hoàn thành và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện trước ngày 31/12/2021;

- Tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Nhiệt điện than, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản, xi măng, tái chế phế liệu, xử lý chất thải; khuyến khích các cơ sở sản xuất thay thế các loại máy móc, dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiện đại ít gây ô nhiễm môi trường; giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Xử lý nghiêm các cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố theo quy định pháp luật.

3. Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì thực hiện rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải của hoạt động giao thông trên địa bàn thành phố, gửi kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/6/2021 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố;

- Tiếp tục thực hiện Đề án kiểm soát khí thải xe ô tô, xe gắn máy tham gia giao thông theo Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch điều chỉnh phát triển mạnh lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng 2030 theo Quyết định số 1239/QĐ-UBND ngày 07/6/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố; rà soát, thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; thực hiện loại bỏ phương tiện cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố; tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông cộng cộng, giảm phương tiện cá nhân; đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường;

- Thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường;

- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt có các giải pháp hiệu quả ngăn ngừa, hạn chế giảm thiểu bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn thành phố.

4. Sở Xây dựng

- Chủ trì thực hiện rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải của các hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố, gửi kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/6/2021 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố;

- Thực hiện quy hoạch đô thị đảm bảo tỷ lệ cây xanh, mặt nước trong đô thị đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan;

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát sự phù hợp quy hoạch đối với các cơ sở hoạt động sản xuất cơ nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí trong các khu dân cư, khu đô thị;

- Tăng cường kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn các công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường ….).

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm không khí với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; Thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản…

- Triển khai hướng dẫn thu gom, xử lý, chế biến phụ phẩm sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích; tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân không đốt phụ phẩm nông nghiệp và xử lý đúng quy định bảo vệ môi trường.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

- Xây dựng các chính sách, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên trong hoạt động sản xuất;

-  Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ về kiểm soát chất lượng không khí, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng nhiên liệu; đầu tư nghiên cứu khoa học cho các hoạt động về quản lý chất lượng không khí trên địa  bàn thành phố.

7. Sở Y tế

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ