Kế hoạch 184/KH-UBND năm 2024 thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi
Số hiệu | 184/KH-UBND |
Ngày ban hành | 16/09/2024 |
Ngày có hiệu lực | 16/09/2024 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Ngãi |
Người ký | Trần Hoàng Tuấn |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 184/KH-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 16 tháng 9 năm 2024 |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 398/TB- VPCP ngày 27/8/2024 của Văn phòng Chính phủ và Quyết định số 2236/QĐ- BGDĐT ngày 23/8/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành giáo dục; trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 806/TTr-SGDĐT ngày 30/8/2024 và để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, ngành giáo dục triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như sau:
Quán triệt và chỉ đạo toàn ngành giáo dục và đào tạo tập trung tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 nhằm củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; làm căn cứ để các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024- 2025.
Bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong toàn ngành giáo dục và đào tạo gắn với thực hiện đúng các quy định về phân cấp, phân quyền, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NĂM HỌC 2024-2025
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn phát sinh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chính sách về giáo dục và đào tạo nhằm thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý; nâng cao trách nhiệm và tinh thần chủ động, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo trong nhà trường; phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
2. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng
Trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ. Xây dựng kế hoạch phấn đấu đến năm 2030, trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non. Triển khai dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non trước khi vào lớp 1 đối với con em các dân tộc thiểu số theo Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT ngày 08/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Trong đó, củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh; phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho con em công nhân lao động được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng.
Phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
3. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên
Đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non; nhất là bảo đảm an toàn cho trẻ tại các cơ sở mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị tốt các nội dung, điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới.
Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, phát huy tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với thực tế triển khai tại các cơ sở giáo dục. Chủ động rà soát chương trình giáo dục phổ thông báo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với tình hình triển khai thực tế tại các cơ sở giáo dục và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12. Chú trọng phát triển năng lực ngoại ngữ cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.
Đa dạng hóa nội dung, chương trình giáo dục trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, đẩy mạnh học tập thường xuyên, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025; Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 và Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan.
Triển khai thực hiện chương trình xóa mù chữ, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông báo đảm chất lượng, hiệu quả. Tăng cường định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ bậc học phổ thông; nâng cao nhận thức của học sinh và gia đình học sinh về phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; tăng số lượng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp.
Rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế giáo viên trong năm học 2024-2025, trong đó, ưu tiên bổ sung biên chế giáo viên mầm non, giáo viên các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bố trí giáo viên, nhân viên phù hợp giữa các cơ sở giáo dục địa phương, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, nghiên cứu các cơ chế, chính sách về luân chuyển giáo viên, tạo điều kiện hỗ trợ giáo viên yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Tiếp tục triển khai thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định; chú trọng triển khai bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nghiên cứu xây dựng các Đề án nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2026 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
5. Bố trí ngân sách nhà nước, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục
Bố trí ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục để đảm bảo chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tỷ lệ tối thiểu 19% trong tổng chi thường xuyên (chưa kể chi từ nguồn thu học phí). Đảm bảo ngân sách thực chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án về giáo dục đào tạo của các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực đông dân cư; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông theo Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho ngành giáo dục và đào tạo, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tạo điều kiện cho người học có nhiều cơ hội lựa chọn các dịch vụ chất lượng.