Chỉ thị 39/CT-UBND năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu 39/CT-UBND
Ngày ban hành 27/09/2024
Ngày có hiệu lực 27/09/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Bùi Đình Long
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/CT-UBND

Nghệ An, ngày 27 tháng 9 năm 2024

 

CHỈ THỊ

TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2024-2025 ĐỐI VỚI GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO VÀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025; Quyết định số 2236/QĐ-BGDĐT ngày 23/8/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục; Quyết định số 2124/QĐ-UBND ngày 22/7/2022 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thông báo số 1519-TB/TU ngày 04/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp năm học 2023 - 2024, định hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025;

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025 với phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng” và căn cứ vào tình hình thực tiễn của tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, tập trung triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong năm học 2024-2025 đối với giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, cụ thể:

1. Thực hiện 3 nhiệm vụ và giải pháp đột phá phát triển

a) Chỉ đạo đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn

Cụ thể hóa và triển khai Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trên địa bàn toàn tỉnh. Quyết liệt triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Kế hoạch, Đề án về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Kế hoạch đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông.

Tiếp tục triển khai đồng bộ, khoa học Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chú trọng giải pháp xây dựng các dự án dạy học, giáo dục trải nghiệm dựa vào cộng đồng và vì cộng đồng; đồng thời đảm bảo thực hiện đúng các quy định đối với các hoạt động dạy học, giáo dục tăng cường trong các cơ sở giáo dục. Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

b) Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, có tầm nhìn và sáng tạo

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Phát huy vai trò “Thầy cô là động lực” của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Gương mẫu thực hiện “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học; tham mưu triển khai thực hiện Luật Nhà giáo trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo tổ chức tuyển dụng bổ sung kịp thời đội ngũ nhà giáo đã được giao chỉ tiêu hàng năm; tiếp tục tham mưu, đề xuất bổ sung thêm biên chế giáo viên đáp ứng nhu cầu những năm học tiếp theo.

c) Chủ động kết nối, hợp tác với các địa phương, đơn vị trong nước; tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển giáo dục và đào tạo, về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đặc biệt về chuyển đổi số ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, khoa học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học phổ thông đối với lưu học sinh Lào. Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào theo chương trình hỗ trợ học bổng của tỉnh và khuyến khích mở rộng diện đào tạo tự túc. Phát huy hiệu quả Trung tâm điều hành giáo dục thông minh (IOC). Thúc đẩy hình thức trực tuyến trong các hoạt động của ngành Giáo dục, nhất là trong quản lý, điều hành, dạy học, kiểm tra đánh giá.

2. Tập trung thực hiện đồng bộ 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

a) Tiếp tục tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo. Cụ thể, sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Tập trung đánh giá tổng kết nhiệm kỳ 2020-2025 đối với các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Đồng thời tập trung tham mưu ban hành các Kế hoạch, Đề án, nhất là triển khai đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo chuẩn phẩm chất, năng lực học sinh theo Chương trình phổ thông 2018.

b) Xây dựng quy hoạch phát triển từng giai đoạn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu học tập của người dân. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo đảm bảo khoa học, đồng thuận cao; tiếp tục chỉ đạo triển khai các mô hình trường học đổi mới, tiên tiến và hội nhập.

c) Đảm bảo nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học

Triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách đảm bảo nguồn lực cho giáo dục trên địa bàn đã được HĐND tỉnh ban hành. Huy động tối đa nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện các kế hoạch, đề án đã được UBND tỉnh ban hành. Tranh thủ tối đa các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ cho địa phương trong ưu tiên phát triển giáo dục.

Chính quyền địa phương các cấp cần hỗ trợ, đảm bảo bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu năm học mới với quy mô học sinh các cấp học tăng và nhiệm vụ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh xây dựng cảnh quan trường lớp học xanh, sạch, đẹp và an toàn; định hướng quy hoạch hình thành khuôn viên giáo dục phổ thông cấp xã đồng bộ, hiện đại, chuẩn quốc tế.

Huy động sức mạnh hệ thống chính trị và sự đồng hành của cha mẹ học sinh trong công tác vận động xã hội hóa giáo dục xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học (đảm bảo đủ danh mục thiết bị tối thiểu) cho các nhà trường; đảm bảo quy trình, thủ tục công khai, minh bạch, tự nguyện; quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích; vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài.

d) Chỉ đạo đổi mới quản lý Ngành giáo dục và quản trị trường học

Đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; triển khai có hiệu quả các mô hình chuyển đổi số trong trường học theo đúng nội dung kế hoạch đã ban hành. Chỉ đạo đổi mới hoạt động thanh tra, kiểm tra, đánh giá thực chất, hiệu quả. Công tác thi đua, khen thưởng thiết thực, phòng, chống bệnh hình thức. Quan tâm công tác truyền thông giáo dục; phối hợp tổ chức thành công các kỳ thi của địa phương và quốc gia trên địa bàn. Thực hiện nghiêm việc đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo và hệ thống quản lý chất lượng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Ưu tiên đổi mới hoạt động quản trị trường học. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà trường.

e) Chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục toàn diện

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng phương án, lộ trình đảm bảo đạt chuẩn, duy trì và nâng chuẩn các nội dung tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia. Yêu cầu phổ cập giáo dục, gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cấp huyện, cấp xã. Nâng dần tỷ lệ xã, huyện đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo.

Chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, triển khai có hiệu quả các chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, văn minh và khơi dậy khát vọng cống hiến cho người học. Triển khai đồng bộ công tác y tế trường học, phòng chống dịch bệnh, phòng chống tai nạn thương tích, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe học đường. Trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục. Nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục thể chất, hoạt động thể thao của học sinh trong và ngoài nhà trường. Phối hợp xây dựng các mô hình giáo dục thể chất, sức bền cho học sinh tại cộng đồng.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Phối hợp triển khai thực hiện đề án xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Bắc Trung Bộ. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, định hướng nghề nghiệp và phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Chú trọng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật.

f) Chỉ đạo thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục từng cấp học, bậc học

Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động dạy học và giáo dục phù hợp với chuẩn đầu ra và mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học đối với giáo dục mầm non, phổ thông, GDTX, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Chú trọng giải pháp chuyển đổi số để nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới sáng tạo và tinh giản hồ sơ, sổ sách đối với nhà giáo trong hoạt động chuyên môn.

[...]