Kế hoạch 177/KH-UBND về cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính (par index) tỉnh Hà Giang năm 2020

Số hiệu 177/KH-UBND
Ngày ban hành 07/08/2020
Ngày có hiệu lực 07/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 177/KH-UBND

Hà Giang, ngày 07 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN VÀ NÂNG CAO CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH (PAR INDEX) TỈNH HÀ GIANG NĂM 2020

Ngày 13/5/2019, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 330/QĐ-BNV về việc phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, tỉnh Hà Giang đạt 79,23 điểm, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố (tăng 2,39 điểm, nhưng giảm 20 bậc so với năm 2018).

Trong thời gian qua, mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại địa phương, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Một số tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số PAR INDEX năm 2019 chưa được cải thiện và xuống hạng.

Thực hiện Thông báo kết luận số 122/TB-UBND ngày 04/6/2020 của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị nghị đánh giá và bàn các giải pháp nâng cao các chỉ số về hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước (PAPI, PCI, PAR INDEX, ICT INDEX) trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số PAR INDEX tỉnh Hà Giang năm 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Đề cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành trong nhận thức và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị góp phần cải thiện và nâng cao Chỉ số PAR INDEX tỉnh Hà Giang.

- Tiếp tục duy trì và nâng cao các nội dung, tiêu chí (TC), tiêu chí thành phần (TCTP) chỉ số PAR INDEX đã đạt điểm và thứ hạng từ nhóm B (từ 80% đến dưới 90%) trở lên; cải thiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế năm 2019, phấn đấu chỉ số PAR INDEX tỉnh Hà Giang năm 2020 thuộc tốp giữa Nhóm B.

2. Yêu cầu:

- Các cơ quan, đơn vị; đặc biệt là các sở, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu các nội dung, lĩnh vực CCHC (Ban Tổ chức - Nội vụ, Sở Tư pháp, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư) phải theo dõi thường xuyên, đánh giá đầy đủ chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC tại địa phương theo Bộ tiêu chí của Bộ Nội vụ ban hành.

- Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2020 (Quyết định số 2518/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 của UBND tỉnh Hà Giang) và các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, giải quyết TTHC (Công văn số 1719/UBND-NCPC ngày 04/6/2020 của UBND tỉnh Hà Giang); tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.

- Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh phải cụ thể hóa thành Kế hoạch của ngành mình, cấp mình, có giải pháp phù hợp với thực tế địa phương, đơn vị và báo cáo kết quả tổ chức thực hiện về UBND tỉnh theo quy định.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nội dung và mục tiêu “Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính”

Ban Tổ chức - Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, UBND cấp xã:

- Bảo đảm mức độ hoàn thành kế hoạch cải cách hành chính năm: Hoàn thành từ 100% kế hoạch trở lên.

- Thực hiện chế độ báo cáo CCHC định kỳ (gồm các báo cáo quý, báo cáo 6 tháng và báo cáo năm về CCHC; công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; về tình hình theo dõi thi hành pháp luật; về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; kết quả ứng dụng CNTT): Đảm bảo về số lượng, nội dung và thời gian gửi theo quy định.

- Về kiểm  tra công tác CCHC trong năm phải được triển khai thực hiện tối thiểu từ 30% trở lên đối với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện. 100% các vấn đề phát hiện qua kiểm tra (bất cập, vướng mắc, vi phạm...) phải được xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC. Mục tiêu thực hiện: Hoàn thành 100% kế hoạch UBND tỉnh giao. Đa dạng các hình thức tuyên truyền CCHC, như: Tổ chức hội nghị; tập huấn chuyên đề về CCHC; đăng tải thông tin trên sóng phát thanh - truyền hình, trên Cổng thông tin điện tử; sân khấu hóa, băng rôn, khẩu hiệu...

- Có ít nhất 3 sáng kiến hoặc giải pháp mới về công tác CCHC được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

- Thực hiện đầy đủ và đúng tiến độ các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh trong năm.

- Chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của tỉnh.

2. Nội dung và mục tiêu “Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL của tỉnh”

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, UBND cấp xã:

- Thực hiện đầy đủ các hoạt động về theo dõi thi hành pháp luật theo đúng quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Căn cứ kết quả thu thập thông tin, kết quả kiểm  tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật theo quy định.

- Rà soát văn bản QPPL: Việc rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát. Từ 70% - 100% số văn bản QPPL đã được xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý so với tổng số văn bản QPPL phải được xử lý hoặc được kiến nghị xử lý sau khi rà soát.

- Xử lý văn bản phát hiện qua kiểm tra: Từ 70% - 100% số văn bản QPPL trái pháp luật đã được xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý so với tổng số văn bản phát hiện sai phạm qua kiểm tra theo thẩm quyền (không tính tự kiểm tra).

[...]