Kế hoạch 175/KH-UBND năm 2021 thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 175/KH-UBND
Ngày ban hành 15/07/2021
Ngày có hiệu lực 15/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 175/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 15 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN TU BỔ, CHỐNG XUỐNG CẤP DI TÍCH ĐÃ XẾP HẠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2021-2025.

Căn cứ Luật di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 24/02/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 07/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Căn cứ Quyết định số 53/2019/QĐ-UBND ngày 07/11/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

Căn cứ Quyết định số 786/QĐ-UBND ngày 01/4/2021 của UBND tỉnh Phê duyệt Đề án: Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Việc hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp đối với các di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời khắc phục tình trạng di tích xuống cấp nghiêm trọng, gia tăng sự bền vững lâu dài cho các di tích; phòng ngừa và hạn chế nguy cơ gây hư hỏng, sập đổ di tích; đảm bảo giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích; tăng cường khả năng sử dụng, khai thác và phát huy các giá trị của di tích.

- Trên cơ sở kinh phí hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ thúc đẩy các địa phương chủ động trong việc cân đối nguồn ngân sách và tập trung huy động các nguồn lực hợp pháp khác theo phương thức xã hội hóa trong hoạt động tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích cùng sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đảm bảo hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích nói riêng và giá trị di sản văn hóa của quê hương dân tộc nói chung.

- Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và văn hóa - xã hội bền vững; Gắn việc thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích với phát huy tiềm năng, lợi thế về truyền thống văn hóa để khai thác và phát huy có hiệu quả giá trị di tích lịch sử - văn hoá gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

2. Yêu cầu:

- Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích đã xếp hạng, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 71/2019/NQ-HĐND ngày 23/10/2019 của HĐND tỉnh, các Đề án, Chương trình công tác của UBND tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của các địa phương;

- Kế hoạch phải được tổ chức triển khai chặt chẽ, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo yêu cầu, tạo bước chuyển biến mới trong công tác bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh;

- Kế hoạch là tiền đề huy động có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội, nhất là cộng đồng dân cư nơi có di tích trong công tác tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp di tích.

II. ĐỐI TƯỢNG:

Việc hỗ trợ thực hiện tu bổ, chống xuống cấp chỉ áp dụng đối với các di tích đã được nhà nước xếp hạng, đang xuống cấp trên địa bàn tỉnh; không hỗ trợ đối với các di tích đã được hỗ trợ đầu tư, tu bổ theo Nghị quyết số 71/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; các di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích bằng nguồn xã hội hóa và các di tích để xảy ra việc xâm hại, lấn chiếm, xây dựng trái phép. Các trường hợp đặc biệt sẽ do UBND tỉnh xem xét, quyết định cụ thể.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Nội dung:

- Ngân sách tỉnh thực hiện tu bổ, chống xuống cấp đối với các các hạng mục kiến trúc gốc (hạng mục kiến trúc chính) của di tích đã được nhà nước xếp hạng quốc gia đặc biệt, di tích xếp hạng quốc gia và di tích xếp hạng cấp tỉnh; Ngân sách cấp huyện, cấp xã bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực khác để đầu tư, tu bổ các hạng mục còn lại của di tích.

- Kết hợp vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn toàn tỉnh; Gắn công tác bảo tồn di sản văn hóa, đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích với phát triển kinh tế du lịch, tuyên truyền, giới thiệu văn hóa Vùng đất - Con người Vĩnh Phúc với nhân dân các địa phương trong, ngoài tỉnh và du khách nước ngoài.

2. Giải pháp thực hiện:

- Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ, quản lý, tu bổ, chống xuống cấp phát huy các giá trị di tích.

- Khuyến khích sử dụng những phương tiện, kỹ thuật truyền thống để tu bổ, chống xuống cấp di tích nhằm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc, sắc thái đặc trưng riêng và nâng tầm các giá trị nổi bật của mỗi di tích;

- Tuyên truyền sâu rộng Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý di tích. Tích cực vận động nhân dân tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn;

[...]